1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cơ hội việc làm đến cùng “cơn sốt” game

Khi các nhà cung cấp game online quyết định đầu tư nhiều hơn cho loại hình giải trí trực tuyến thì thị trường việc làm trong ngành này cũng tăng lên đáng kể. Hàng loạt vị trí được các công ty săn lùng và những ứng cử viên hiểu biết về game sẽ có nhiều lợi thế.

“Cơn sốt” trò chơi trực tuyến trong một thời gian dài đã thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của dư luận và các cơ quan chức năng. Đến nay, game online đã được nhiều người thừa nhận là ngành công nghiệp giải trí thực sự.

 

Nắm bắt tình hình này, thị trường game đã bổ sung khá nhiều trò chơi mới như Ragnarok, Guild Wars (VinaGame), SilkRoad (VDC), Hiệp khách giang hồ (Asiasoft). Và để chuẩn bị cho các game chính thức được phát hành, nhiều công ty đã ráo riết bổ sung nguồn nhân lực. Hàng trăm nhân sự được thông báo tuyển dụng ở các vị trí như lập trình viên, dịch thuật, thiết kế, quản trị web, quan hệ khách hàng, hỗ trợ kỹ thuật, thử nghiệm game, hoạch định game, marketing, PR...

 

Bà Vũ Anh, Trưởng phòng nhân sự Công ty VinaGame, cho biết: “Chúng tôi muốn tăng cường thêm các hoạt động xung quanh lĩnh vực trò chơi nhập vai trực tuyến và tận dụng những ưu thế sẵn có để phát triển phần mềm ứng dụng và giải trí khác. Vì thế, việc chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu là một nhiệm vụ rất quan trọng. VinaGame đang có nhu cầu tuyển gần 100 nhân sự cho khoảng 20 vị trí”. Dự kiến đến cuối năm nay, đội ngũ nhân viên của công ty này sẽ là khoảng 400 người.

 

Thị trường lao động trong ngành giải trí trực tuyến hiện khá nóng nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Một số nghề trong lĩnh vực này còn mới và nói đến game hầu hết vẫn nghĩ là để chơi, giải trí hơn là tạo những cơ hội khác.

 

Chị Thanh Mai, nhân viên hành chính một công ty cổ phần, cho biết: “Mình không nghĩ chơi game nhiều thì kiếm được việc. Em mình rất ham chơi game nên cả nhà mắng suốt, chỉ lo hư hỏng”.

 

Cũng đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Quốc Tuấn, giảng viên một trường đại học, cho rằng: “Suốt ngày chỉ chăm chăm chơi game thì thời gian đâu học hành, làm việc. Không ai tuyển một người về chỉ hăm he rảnh rỗi là chơi”.

 

Thế nhưng, khá nhiều cơ hội việc làm đã đến với những gamer tích cực. Khi trò chơi RYL vừa phát hành, một game thủ khó tính đã rất bức xúc với những thiếu sót của nhà cung cấp và phản ứng dữ dội trên diễn đàn, kênh chat của Game Master (GM - nhân viên quản lý trò chơi). Sau khi xem xét và đánh giá cao những ý kiến này, Công ty Quang Minh DEC đã đề nghị gặp trực tiếp trao đổi và cuối cùng gamer này đã được mời vào vị trí cán bộ truyền thông của RYL, xử lý rất tốt những vấn đề khó khăn của game này.

 

Cũng là một tay game chuyên nghiệp, Hoàng Quang Huy, sinh viên năm thứ 3, Đại học Đông Đô (Hà Nội), đã giải quyết bức xúc bằng cách cặm cụi ghi chép các vấn đề, đưa ra cách giải quyết và hướng phát triển trong tương lai thành một bản dự án nghiêm chỉnh dày trên 200 trang và gửi đến nhà phát hành game RYL. Kết quả, cậu sinh viên đam mê game này đã phụ trách kế hoạch phát triển game, một công việc được đánh giá là rất khó “săn” hiện nay.

 

“Thực tế, không ai hiểu rõ về game và cộng đồng game thủ hơn chính những người say mê thế giới ảo này”, ông Nguyễn Vĩnh Cường, Trưởng phòng Game Online của Quang Minh DEC, cho biết. “90% đội ngũ nhân viên quản lý trò chơi RYL II xuất thân từ những game thủ tích cực”.

 

Ông Bùi Minh Phương, từng đại diện cho game thủ Việt Nam thi đấu Warcraft III tham dự World Cyber Games 2003 và hiện là giám đốc Công ty Zion, nhà phân phối thẻ game Võ Lâm Truyền Kỳ tại miền Bắc và miền Trung, bày tỏ: “Cách đây hơn 3 năm, Việt Nam vẫn chưa có công ty nào chính thức coi game là ngành dịch vụ với nhiều cơ hội kiếm tiền. Việc tiếp xúc các giải đấu lớn đã giúp tôi có cái nhìn tổng quan hơn về ngành game. Có lẽ nghiệp game đã ăn sâu vào máu của tôi và những ý tưởng kinh doanh cũng xuất phát từ đó”.

 

Theo ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty VinaGame, thì giới chơi game được chia làm 2 loại: giải trí và đam mê thực sự. Cựu thành viên đội tuyển Việt Nam tham dự World Cyber Games 2002 tại Hàn Quốc được xếp hạng 4 này đã bị thu hút mạnh mẽ bởi ngành công nghiệp giải trí nên từ nghiên cứu, học hỏi đã nảy ra ý định thành lập công ty phát hành game.

 

Ông Minh tâm sự: “Tôi không nghĩ rằng chơi game để tìm việc làm. Tuy nhiên, sự đam mê có thể mang đến những cơ hội, ví như có người tìm được bạn thân, người yêu hay công việc phù hợp sở thích... khi đến với game”.

 

Dù có nhiều cơ hội việc làm nhưng việc tuyển dụng nhân sự ở các công ty phát hành game vẫn còn nhiều khó khăn. Bà Vũ Anh bộc bạch: “Có nhiều vị trí mà thị trường lao động chưa có và cái khó của chúng tôi là phải tìm được người phù hợp nhất, đồng thời có thể gắn bó lâu dài. Những đơn vị tuyển dụng chuyên nghiệp và dày dạn kinh nghiệm với thị trường nhân lực trung và cao cấp đôi khi cũng không đáp ứng được yêu cầu cung cấp ứng viên phù hợp, dù chúng tôi không ngại trả lương cao hơn nhiều”.

 

Theo ý kiến của bà Vũ Anh thì một số vị trí hiện rất khó tìm kiếm như trưởng dự án trực tiếp phụ trách điều hành những game mới cũng như nhân sự dịch thuật Hoa-Việt, Hàn-Việt, Anh-Việt và phụ trách pháp lý liên quan đến lĩnh vực game nói riêng, công nghiệp phần mềm, các dịch vụ liên quan đến Internet tại Việt Nam nói chung.

 

Còn ông Phạm Như Đức, Trưởng phòng marketing công ty Asiasoft, cho biết: “Chúng tôi cần ít nhất là 30-40 nhân sự cho game Hiệp khách giang hồ sắp phát hành. Trong số đó, nhân sự phụ trách kế hoạch phát triển game hiện rất khó tìm, bởi lẽ vị trí này đòi hỏi phải hiểu biết về game online, có kỹ năng hoạch định, tổ chức, thực hiện các chương trình, sự kiện trong và ngoài game, đồng thời phải có khả năng theo dõi, quản lý diễn đàn cũng như xây dựng cộng đồng game”.

 

Trong khi đó, đại diện của Quang Minh DEC cho rằng ngay trong chính đội ngũ những người đã và đang làm việc trong ngành game đôi khi cũng chưa thấu hiểu được vấn đề. Đối với gamer, chơi game là để thư giãn và giải trí, còn với nhà cung cấp, đó là một công việc nghiêm túc. “GM là công việc khó khăn bởi lẽ ngoài am hiểu về game, những vị trọng tài này phải có khá nhiều kỹ năng như ôn hoà, khéo léo, có thể phân tích và am hiểu các quy tắc ứng xử trong thế giới ảo. Đáng tiếc Việt Nam chưa có điều kiện để đào tạo các GM chuyên nghiệp”, ông Vĩnh Cường nói.

 

Bà Trương Nguyễn Thu Hà, phụ trách marketing - PR của Trung tâm game online FPT, đơn vị phát hành game PTV, MU, cũng đồng tình: “Gamer hiện khá nhiều nhưng ít ai hiểu rõ khái niệm điều hành game là một nghề. Đa số chỉ nghĩ đơn giản công việc của GM là chơi. Đó là khó khăn lớn nhất đối với nhà phát hành game”.

 

Cũng theo bà Thu Hà thì hiện công ty đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 40 nhân sự trong vòng 3 tháng tới với yêu cầu thông thạo về game và có quan hệ tốt với giới game thủ. Tuy nhiên, công ty cũng dành không ít cơ hội cho người có chuyên môn phù hợp vị trí ứng tuyển dù chưa biết chơi game. Đối tượng này sau khi được chính thức tuyển vào đòi hỏi phải tìm hiểu về sản phẩm công ty phát hành cũng như game online nói chung.

 

Hiện tại, để đạt yêu cầu làm việc ở các công ty game hoặc có liên quan đến ngành giải trí mới này, các ứng cử viên phải có chút hiểu biết về game và ngoài chuyên môn phải có phong cách làm việc, mục tiêu nghề nghiệp của cá nhân phù hợp. 

 

Theo VnExpress