Có được nghỉ việc để chăm sóc con ốm?

<i>“Con tôi còn nhỏ, bị bệnh cần phải có người chăm sóc. Xin hỏi tôi có được nghỉ việc để chăm sóc con không? Nếu được thì thời gian nghỉ việc tối đa là bao nhiêu ngày và có được hưởng lương?”</i> (Vũ Hoàng Oanh - Q.3, TPHCM).

Trả lời: Theo qui định tại khoản 2, điều 22 Luật bảo hiểm xã hội 2006, điều kiện hưởng chế độ khi con ốm đau là con phải dưới 7 tuổi; người lao động nghỉ việc để chăm sóc con có xác nhận của cơ sở y tế.

 

Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 3 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi.

 

Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội, nếu một người đã hết thời hạn hưởng chế độ mà con vẫn ốm đau thì người kia được hưởng chế độ theo qui định trên. Mức hưởng chế độ khi con ốm đau bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

 

***

 

“Bị bệnh nặng nên tôi phải tạm nghỉ việc để vào bệnh viện chữa trị. Tuy nhiên dù đã chữa trị trong một thời gian dài nhưng tôi vẫn chưa khỏi bệnh để đi làm lại. Xin hỏi công ty nơi tôi làm việc có quyền cho tôi nghỉ việc không?” (Tr.M.T. - Q.12, TPHCM)

 

Trả lời: Do trong thư không đề cập rõ về loại hợp đồng lao động (HĐLĐ) mà bạn đã ký kết với công ty và về khoảng thời gian mà bạn đã nghỉ việc để chữa bệnh nên không thể trả lời rõ ràng cho bạn được. Tuy nhiên, theo qui định tại điểm c, khoản 1, điều 38 Bộ luật lao động, công ty bạn được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong các trường hợp sau:

 

Một là bạn làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, ốm đau đã điều trị 12 tháng liền mà khả năng lao động chưa hồi phục.

 

Hai là bạn làm theo HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, ốm đau đã điều trị sáu tháng liền mà khả năng lao động chưa hồi phục.

 

Ba là bạn làm theo HĐLĐ mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng, ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn HĐLĐ mà khả năng lao động chưa hồi phục.

 

Tuy nhiên theo qui định của pháp luật, khi sức khỏe bình phục bạn sẽ được xem xét để giao kết tiếp HĐLĐ.

 

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Tuổi Trẻ