1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Không chỉ là bệ đỡ cho người lao động khi mất việc, đại diện Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam còn được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Lao động Quốc tế đánh giá cao.

Bảo hiểm thất nghiệp - Giá đỡ cho người lao động

Áp dụng từ ngày 1/1/2009, Việt Nam là quốc gia thứ 2 ở Đông Nam Á và thứ 82 trên thế giới thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Dù xuất hiện khá muộn so với thế giới (có những quốc gia đã triển khai gần 100 năm), chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Việt Nam được người lao động, người sử dụng lao động trong nước, cũng như cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Riêng Tổ chức Lao động Quốc tế cho rằng, đây là chính sách thành công, cần nhân rộng để thúc đẩy phát triển trong khu vực ASEAN.

Chia sẻ tại tọa đàm "Hiểu đúng về bảo hiểm thất nghiệp - Giá đỡ với người lao động Việt" do Báo Dân trí phối hợp với Cục Việc làm tổ chức hôm 11/4, ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc Làm - cho biết, trong năm đầu tiên áp dụng bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước dự kiến có khoảng 4,5 triệu người tham gia. Nhưng thực tế, năm 2009 đã có 5,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao - 1
Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc Làm (bên trái); bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó giám đốc Trung Tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội (giữa) tại buổi tọa đàm (Ảnh: Hữu Nghị).

Đến cuối 2022, có 14,3 triệu người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Mức độ bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 31,18% - đạt chỉ tiêu được giao. Mục tiêu, đến năm 2025, con số này sẽ đạt khoảng 35% và 45% vào năm 2030.

Cùng với độ bao phủ bảo hiểm thất nghiệp thì đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng theo. Năm 2009, trong hơn 5 triệu người tham gia, có hơn 180.000 người được nhận trợ cấp. Đến năm 2020, số người tham gia xấp xỉ 13 triệu người thì có hơn một triệu người được hưởng trợ cấp. Riêng năm 2020, số chi bảo hiểm thất nghiệp đã tiệm cận với số thu.

Tính lũy kế đến nay, cả nước đã có hơn 8 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, hơn 270.000 người được hỗ trợ học nghề và trên 13 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm từ chính sách này.

Giai đoạn Covid-19, Chính phủ đã liên tiếp ban hành nhiều nghị quyết về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở sử dụng kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, như Nghị quyết 42 (năm 2020), Nghị quyết 68 (2021), Nghị quyết 03 (2021), Nghị quyết 24 (2022).

Thực hiện theo các chỉ đạo này, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, trong năm 2021-2022, đã hỗ trợ cho trên 13 triệu người lao động, với số tiền trên 31.000 tỷ đồng, giảm đóng cho trên 446.000 đơn vị sử dụng lao động với số tiền trên 9.100 tỷ đồng. Tổng số hỗ trợ qua gói Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là trên 41.000 tỷ, khẳng định vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong bối cảnh bình thường và trong bối cảnh bất thường như Covid-19.

"Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã triển khai hơn 14 năm ở Việt Nam, khẳng định vai trò là chính sách an sinh xã hội, bệ đỡ cho người lao động bị giảm thu nhập, mất việc", ông Tú khẳng định.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao - 2
Theo ông Trần Tuấn Tú, bảo hiểm thất nghiệp đã khẳng định vai trò là chính sách an sinh xã hội, bệ đỡ cho người lao động (Ảnh: Hữu Nghị).

Những quyền lợi khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp 60% của bình quân 6 tháng lương liền kề trước khi mất việc. Ngoài ra, còn được hỗ trợ học nghề và tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí, thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung Tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, để hưởng trợ cấp thất nghiệp phải nộp đủ bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng trở lên, nhưng đối với người được hỗ trợ học nghề thì chỉ cần đóng từ đủ 9 tháng trở lên là người lao động có quyền được hỗ trợ học nghề.

"Đây là quyền lợi mà nhiều lao động bỏ quên. Chúng tôi đã cố gắng làm công tác thông tin tuyên truyền rất nhiều, để người lao động hiểu được rằng họ có được những quyền lợi như vừa nêu, chứ không phải chỉ đến để nhận khoản tiền trợ cấp thất nghiệp nhất định", bà Liễu chia sẻ.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao - 3
Bà Vũ Thị Thanh Liễu chia sẻ về những quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh: Hữu Nghị).

Tại Trung Tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, có 4 nghề đào tạo cơ bản, gồm: kỹ thuật pha chế đồ uống, kỹ thuật nấu ăn, tin học văn phòng, may công nghiệp.

Để tạo điều kiện cho người lao động có nhiều ngành nghề đăng ký, giảm thiểu đi lại, đơn vị đã phối hợp với nhiều cơ sở đào tạo nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp phép trên địa bàn thành phố để tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội đăng ký học nghề hơn, như: học lái xe, làm bánh, kế toán, các kỹ năng khác.

Vấn đề trục lợi bảo hiểm được kiểm soát

Trước đây, chế độ chi trả bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo cơ chế chấm dứt và hưởng một lần. Nhưng Luật Việc làm năm 2015 đã có điều chỉnh. Đây là bảo hiểm rủi ro khi người lao động mất việc làm, nên thay vì giải quyết một lần để thuận lợi cho cơ quan thực hiện, thì sẽ được bảo lưu, giúp người lao động có thời gian tích lũy. Trường hợp tiếp tục gặp rủi ro mất việc, họ sẽ lại hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Tú, trong giai đoạn đầu áp dụng cơ chế này, đã xuất hiện tình trạng một số người lao động vừa đi làm, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như người lao động không nắm rõ quy định; năng lực quản lý có hạn; dữ liệu tham gia đóng bảo hiểm phân tán ở những địa phương khác nhau dẫn đến việc người lao động tham gia hưởng ở quận này, nhưng làm việc ở quận khác...

Hiện, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tập trung cơ sở dữ liệu thống nhất trên toàn quốc, nên trường hợp đóng trùng, hưởng trùng hạn chế rất nhiều. Còn một số ít trường hợp xảy ra do độ trễ trong quy định về thời hạn thông báo với cơ quan quản lý.

Cụ thể, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có việc làm phải thông báo và gửi giấy tờ, hợp đồng lao động cho trung tâm dịch vụ việc làm - nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp - để được chấm dứt và bảo lưu thời gian đóng trong vòng 3 ngày. Nhưng người sử dụng lao động có đến 30 ngày để đăng ký đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, tính từ thời điểm giao kết hợp đồng lao động. Do đó, thời điểm mà người lao động có việc làm và thời điểm khai báo tham gia bảo hiểm thất nghiệp vẫn có độ trễ nhất định. Điều này dẫn đến một số trường hợp người lao động có việc làm nhưng vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

"Chúng ta thường gọi là gian lận hay trục lợi, nhưng thực tế là do vấn đề nhận thức của người lao động. Để hạn chế tình trạng này, chúng tôi đã có những giải pháp như tăng cường thông tin tuyên truyền về quyền, trách nhiệm của người lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm; tăng cường ứng dụng ứng dụng công nghệ thông tin để tránh trùng đóng trùng hưởng; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, để phát hiện trường hợp vi phạm, xử lý trách nhiệm...", ông Tú cho biết.

Các diễn giả tham gia tọa đàm đều cho rằng, thông tin tuyên truyền rất cần thiết, để doanh nghiệp, người lao động hiểu được lợi ích của bảo hiểm thất nghiệp, tham gia tích cực, đầy đủ theo đúng quy định của Luật Việc làm.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao - 4
Theo ông Trần Tuấn Tú và bà Vũ Thị Thanh Liễu, bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành bệ đỡ cho người lao động khi mất việc (Ảnh: Hữu Nghị).

Ngoài ra, quyền lợi của người lao động cần được nhân rộng, hỗ trợ nhiều hơn, mức hỗ trợ học nghề miễn phí cần tăng theo thời gian cho sát với điều kiện thực tế sẽ khuyến khích người lao động tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp.