Chậm điều chỉnh BHXH: Đơn vị bị truy thu và tính thêm lãi suất

Sau 6 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương tháng đóng BHXH, BHTN cho người lao động mới thực hiện truy đóng BHXH, BHTN thì số tiền truy thu BHXH, BHTN được tính bao gồm số tiền phải đóng BHXH, BHTN bắt buộc theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.

Bà Hoàng Thị Liễu (tỉnh Quảng Ninh) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp trường hợp sau:

Hàng tháng, đơn vị sử dụng lao động trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN đúng quy định, các quyết định nâng lương, hợp đồng… điều chỉnh mức đóng và mẫu D02-TS nộp sau thời gian quy định thì đơn vị có bị tính lãi chậm đóng BHXH không?

Cơ quan BHXH căn cứ phần mềm báo cáo đơn vị nộp chậm và tính lãi, tuy nhiên đối chiếu chứng từ hàng tháng thì không tháng nào đơn vị sử dụng lao động nộp thiếu, mà theo thông báo của BHXH thì đơn vị đang nộp thừa tiền (điều chỉnh mức lương đóng, hoặc tăng lương nhưng không điều chỉnh với cơ quan BHXH), trong khi đó tiền nộp lên BHXH vẫn nộp con số đã điều chỉnh rồi.

Ví dụ: Ông A, mức nộp bảo hiểm là 26 triệu đồng từ tháng 7/2017 (mức cũ đăng ký với BHXH là 24,4 triệu đồng). Khi nộp tiền BHXH, đơn vị vẫn trích nộp theo mức 26 triệu đồng, mà không điều chỉnh với BHXH, nên mặc định BHXH vẫn tính theo mức 24,4 triệu đồng, do đó dẫn đến nộp thừa. Hàng tháng BHXH gửi thông báo về cho đơn vị nhưng nhân viên hành chính không đối chiếu (mặc dù con số là thừa), tuy nhiên sau khi điều chỉnh BHXH gửi thông báo có mục lãi (số tiền tính lãi, tỷ lệ tính lãi và tổng tiền lãi) lên tới 8.313.863 đồng, được biết đây là lãi phạt chậm nộp.

Bà Liễu hỏi, số lãi trên đơn vị có phải trả không? Nếu không phải trả thì làm những thủ tục gì để không phải trả số tiền lãi phạt trên?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:

Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 138 Luật BHXH năm 2006, Khoản 3 Điều 122 Luật BHXH năm 2014, Khoản 3 Điều 49 Văn bản hợp nhất Luật BHYT số 01/VNHN-VPQH ngày 10/7/2014, Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì: Đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi tính trên số tiền và thời gian chậm đóng.

Đối với trường hợp điều chỉnh tăng tiền lương tháng đã đóng BHXH 6 tháng: Sau 6 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương tháng đóng BHXH, BHTN cho người lao động mới thực hiện truy đóng BHXH, BHTN thì số tiền truy thu BHXH, BHTN được tính bao gồm số tiền phải đóng BHXH, BHTN bắt buộc theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.

Đối chiếu quy định trên, trường hợp người lao động điều chỉnh tăng tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN, đơn vị thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh, trích đóng vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời trong thời hạn 6 tháng thì không phải nộp tiền chậm đóng.

Đề nghị bà Liễu liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để được giải quyết theo quy định.

Theo Chinhphu.vn