Cận Tết, lão nông thu hàng trăm triệu đồng nhờ cây có 7 thứ quả khác nhau
(Dân trí) - Những ngày cuối năm, lão nông Lê Đức Giáp 70 tuổi, trú tại Cao Viên (Thanh Oai, Hà Nội) đang tất bật chăm sóc cho vườn cây chưng Tết. Mỗi cây ra nhiều loại quả khác nhau, có giá cả chục triệu đồng.
Thu bạc triệu lại có sức khỏe
Ở cái tuổi 70, khi tóc đã bạc, lão nông Lê Đức Giáp vẫn dành thời gian suốt cả ngày ở vườn cây cảnh chưng Tết. Với kinh nghiệm trồng cam hơn 20 năm, từ gốc cây bưởi, ông "phù phép" cho ra nhiều loại quả khác nhau. Trừ chi phí mỗi năm ông thu về vài trăm triệu đồng.
Ông Lê Đức Giáp chia sẻ: "Hàng ngày, tôi dành 10 tiếng ở vườn chăm cây. Giống cây ghép này rất nhạy cảm, nên phải kỳ công chăm sóc. Nhiều hôm mải mê quên cả về ăn cơm, vợ tôi phải ra gọi ".
Những gốc bưởi nhà ông Lê Đức Giáp nhưng lại cho ra nhiều loại quả như: Bưởi diễn, cam, phật thủ, quýt, quất, chanh đào… Tất cả đều đã chín rộ chờ khách đến rinh về chưng Tết. Hiện nay vườn nhà ông có hơn 100 gốc, một nửa số cây cảnh đã có khách đặt hàng.
Thời gian đầu khi chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng cam đường, ông đã đi khắp nơi tìm kiếm giống, tìm thầy theo học. Xong cũng từ cây cam đường, ông bắt đầu ghép những loại quả từ những cây khác vào nhau vào những năm 2006.
"Ban đầu, tôi thất bại nhiều lần do chưa biết được cho kỳ sinh trưởng của các loại quả khác nhau. Nên mặc dù ghép đi, ghép lại nhiều lần các loại quả chín không đồng đều một lúc và thường chín rộ rụng trước thời điểm Tết đến" ông Lê Đức Giáp chia sẻ.
Từ năm 2009 tới nay, ông đã ghép thành công 7 loại quả trên cùng một cây và bắt đầu cho ra thị trường tiêu thụ. Từ đó đến nay, lượng khách hàng cứ thế tăng lên, nhiều khách quen đến đặt cây từ trước Tết vài tháng, giá cây giao động từ 2 đến 10 triệu đồng/cây.
Một cây ngũ quả đẹp là các quả: Chanh, cam, quất, phật thủ, bưởi phải chín cùng một lúc, màu sắc rực rỡ và nảy nhiều lộc, hoa ở ngọn và gốc.
Bưởi là loại cây thích hợp nhất để ghép vì gốc to, khỏe những quả nhỏ được ghép lên cây bưởi sẽ phát triển rất tốt. Tháng 5 âm lịch sẽ bắt đầu ghép quả bưởi, tháng 6, ghép cam và quýt. Cuối cùng quất và phật thủ sẽ được ghép vào tháng 10.
"Ở tuổi này, nhưng không ngày nào tôi để tay chân nghỉ ngơi, với tôi chăm sóc cây là niềm vui, cũng là sức khỏe. Hơn nữa tuy tuổi già nhưng chưa phải phụ thuộc kinh tế vào con cháu" - ông Lê Đức Giáp nói.
Nghề kỳ công
Theo ông Lê Đức Giáp, để trồng được một cây cảnh chưng Tết đã khó, mà một cây ra nhiều loại quả khó gấp trăm lần. Mỗi gốc bưởi chuẩn bị để ghép cây phải được trồng sao cho thật khỏe, đến thời điểm thích hợp ghép cho từng loại quả ông lại lặn lội đi đến các vùng có loại quả đó để mua về ghép.
"Cam thì tôi đến lên cao phong, bưởi thì làng diễn, hay quýt thì phải sang Hưng Yến để mua. Quả đề ghép vào với cây cũng phải là quả khỏe, đang độ lớn không bị sâu bệnh nếu không sẽ hỏng cả cây" - ông Lê Đức Giáp nói.
Theo ông Lê Đức Giáp những quả ghép vào cây phải giữ được độ tươi, đem về đến nhà phải ghép luôn. Không ít lần ông phải đứng ghép cây xuyên đêm để quả không bị héo.
Từ kinh nghiệm của mình, ông cho rằng, người ghép cây cần phải có tâm thế thoải mái, vô tư điềm đạm, nếu không khi ghép sẽ bị run tay, mối ghép không chặt, vài ngày sau là quả bị hỏng.
"Cây ghép năm loại quả, bảy loại quả không chỉ đơn thuần là vì kinh doanh, lợi nhuận, mà còn thỏa mãn niềm đam mê cây cối của tôi. Mỗi dịp cuối năm, nhìn những cây cảnh ra nhiều loại quả thể hiện sự hòa hợp, gắn bó, sum vầy những ngày Tết đến xuân về lòng tôi rất phấn khởi" - ông Lê Đức Giáp tâm sự.
Tỉ lệ quả ghép thành công tại vườn nhà ông đạt tới 90%. Nhưng đạt được kết quả đó ông đánh đổi không ít đêm mất ngủ, thuốc trừ sâu để phun cho cây cũng tự tay ông làm ra từ những loại thảo được như gừng, ớt, riềng và rượu.
Từ mô hình trồng cây độc đáo của ông Lê Đức Giáp, nhiều bạn bè, người nông ở khắp mọi nơi đến học hỏi ông đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.
Những năm trở lại đây, nhu cầu của người chơi ngày càng cao, một cây cần nhiều quả hơn. Không ít khách hàng đòi hỏi ông cây vừa có quả vừa có hoa, để chiều lòng khách, ông không ngừng học hỏi và nghiên cứu để sản phẩm đạt hiệu quả tốt nhất.
Ở tuổi 70 nhưng ông Lê Đức Giáp luôn tâm niệm rằng, không ly nông, không ly hương mà vẫn ly được cái đói nghèo. Ông cho rằng, còn sức khỏe sẽ còn tạo ra những cây cảnh độc đáo.