Cần nhiều điều chỉnh trong chính sách BHYT

(Dân trí) - “Thời gian qua, công tác triển khai chính sách BHYT đã phát sinh nhiều vướng mắc, như: Thanh toán chi phí khám chữa bệnh, giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề cũng như việc thanh toán theo định mức trong giá dịch vụ khám chữa bệnh...”.

Cần nhiều điều chỉnh trong chính sách BHYT - 1

Ông Nguyễn Tất Thao, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) trao đổi với PV Dân trí về những khó khăn và kiến nghị trong triển khai chính sách BHYT thời gian qua.

Về thanh toán tiền giường điều trị ban ngày

Đại diện Ban thực hiện chính sách BHYT cho biết: Hiện nay, việc chỉ định điều trị nội trú ban ngày do bác sỹ quyết định dựa trên tình trạng sức khỏe và bệnh lý của người bệnh.

Tuy nhiên do không có quy định, tiêu chí cụ thể khi nào cần điều trị nội trú 24/24 giờ hoặc ngoại trú. Điều này dẫn đến việc thực hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh không thống nhất, đồng thời một số dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại giường đã được kết cấu chi phí tiền giường trong giá dịch vụ kỹ thuật, nếu thanh toán tiền giường điều trị ban ngày là trùng lặp.

Trên cơ sở đó, ngày 20/3/2019, BHXH Việt Nam có Công văn số 845/BHXH-CSYT gửi Bộ Y tế nêu những vướng mắc trong thực hiện quy định về điều trị ban ngày và kiến nghị Bộ Y tế về việc hợp nhất 3 Thông tư cũng như làm rõ một số quy định trong thanh toán ngày điều trị ban ngày.

Ba thông tư nếu trên gồm: Thông tư 01/2017 về hóa trị, xạ trị; Thông tư số 18/2016 về danh mục, DVKT phục hồi chức năng; Thông tư số 01/2019 về nội trú ban ngày tại các cơ sở YHCT.

Khám chữa bệnh theo yêu cầu

Phân tích của ông Nguyễn Tất Thao, tại Khoản 6, Điều 4 Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định “Trường hợp người bệnh có thẻ BHYT nhưng có sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu thì việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 20 Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ KCB của các cơ sở KCB công lập”.

“Tuy nhiên, Nghị định số 85/2012/NĐ-CP không quy định giá khám chữa bệnh theo yêu cầu cũng như giá dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở y tế tư nhân, không quy định việc thanh toán trong trường hợp khám chữa bệnh theo yêu cầu. Đồng thời, hiện nay chưa có quy định các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu bao gồm dịch vụ gì?” - ông Nguyễn Tất Thao cho biết.

Quy định cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề

Liên quan tới quy định về bổ sung phạm vi chuyên môn trên chứng chỉ hành nghề, ông Nguyễn Tất Thao cho biết: “Khoản 3, Điều 6 Luật khám chữa bệnh nghiêm cấm các hành vi: Khám chữa bệnh hoặc cung cấp dịch vụ kỹ thuật không đúng phạm vi hành nghề ghi trên CCHN. Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ quy định đối với các dịch vụ kỹ thuật thuộc chuyên khoa khác với phạm vi chuyên môn trên chứng chỉ hành nghề thì người hành nghề được thực hiện sau khi có chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo và được người chịu trách nhiệm chuyên môn cho phép thực hiện bằng văn bản mà không cần bổ sung trên chứng chỉ hành nghề, việc này không đúng quy định tại Khoản 3, Điều 6 Luật khám chữa bệnh nêu trên”.

Trong khi đó, bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn là “khám chữa bệnh đa khoa” nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể “khám chữa bệnh đa khoa” là được khám chữa bệnh các chuyên khoa nào, một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện phân công khám chữa bệnh Mắt,

Theo ông Nguyễn Tất Thao, cơ quan BHXH Việt Nam là cơ quan thực hiện chính sách, vì vậy việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT phải thực hiện theo đúng các văn bản quy phạm pháp luật, trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, các vướng mắc nêu trên đã được BHXH Việt Nam báo cáo, kiến nghị (bằng văn bản) Bộ Y tế kịp thời có văn bản hướng dẫn làm cơ sở để cơ quan BHXH thực hiện.

“Trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh thực hiện giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng các quy định hiện hành” - ông Nguyễn Tất Thao cho biết.

Phát triển đối tượng tham gia BHYT và thu BHYT

Tính đến hết quý I/2019, số đối tượng tham gia BHYT là trên 83,4 triệu người, đạt 98,0% so với kế hoạch giao; giảm 0,1 triệu người so cuối năm 2018.

Tính đến quý I/2019 tổng số tiền thu BHYT là 21.871 tỷ đồng, đạt 22,2% so kế hoạch chính phủ giao.

Số chi khám chữa bệnh BHYT trong Quý 1/2019 (cập nhật trên hệ thống giám định đến ngày 19/04/2019): Số lượt KCB BHYT: tổng số lượt KCB toàn quốc 41.756.042 lượt, tăng 1.479.343 lượt so so với cùng kỳ quý I năm trước, tương ứng 3,67%; Số chi KCB BHYT: tổng chi KCB toàn quốc là 22.697 tỷ đồng, bằng 23,53% dự toán giao toàn quốc, tăng 794 tỷ đồng so với cùng kỳ quý I năm trước, tương ứng tăng 3,63%.

Lê Hoàng