1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Biến tướng “quota” lao động: Địa phương hành doanh nghiệp

(Dân trí) - Mô hình liên kết XKLĐ giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người lao động được Bộ LĐTB-XH bắt đầu từ năm 2003 trên 40 tỉnh thành phố, với mục đích giảm chi phí, tránh phiền hà và tránh cho người lao động bị cò mồi lừa.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Xuân Vui, Giám đốc Trung tâm XKLĐ Airserco (Tổng công ty hàng không Việt Nam), từ chủ trương này, nhiều ban chỉ đạo XKLĐ các cấp ở địa phương mà chủ yếu là cấp huyện và xã đã và đang bẻ cong làm biến tướng để ra một dạng “quota” mới về lao động.

 

Đáng nhẽ mô hình liên kết xuất khẩu lao động (XKLĐ) càng ngày phải càng thông thoáng và phát huy vai trò gắn kết giữa công ty XKLĐ - địa phương - người lao động, làm giảm chi phí cho người lao động, tránh cò mồi. Song, hiện nay tại nhiều địa phương đã lợi dụng mô hình và biến thành một giấy phép con gây khó dễ, phiền hà, nhức nhối cho doanh nghiệp và người lao động. Đây là lời than phiền của hầu hết giám đốc các công ty XKLĐ khi được hỏi về mô hình liên kết.

 

Đặc biệt là ban chỉ đạo XKLĐ ở cấp huyện và cấp xã, đã nghĩ ra hàng trăm cách "hành doanh nghiệp". Nếu doanh nghiệp nào hậu đãi tốt sẽ được phân về xã gần, huyện gần và tạo mọi thuận lợi để làm việc. Còn nếu không hậu đãi tốt sẽ bị từ chối thẳng thừng. Ông Vui bức xúc: "Chúng tôi được cấp huyện giới thiệu xuống một số xã, thật lạ lùng khi ông trưởng phòng nội vụ (phòng tổ chức lao động) thẳng thừng từ chối và cho rằng Nhà nước đã phân công mình làm, thu chi là do mình, muốn kết hợp với ai là do mình. Còn nếu xã nào tiếp đón thì trong suốt cuộc đàm phán, đáng nhẽ ban chỉ đạo XKLĐ của xã phải đấu tranh quyền lợi cho lao động như: thị trường đó thế nào; mức lương bao nhiêu; các khoản phí nộp, sau khi hết hợp đồng, trừ hết chi phí, người lao động thu về được bao nhiêu.... thì không thấy họ hỏi và nói đến. Mục đích  chính của họ chỉ là sẽ được bao nhiêu tiền khi một người lao động đi được XKLĐ".

 

Công ty Airserco đã từng đến huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) thực hiện liên kết XKLĐ và thoả thuận với huyện sẽ hỗ trợ tranh tre nứa lá cho gia đình nghèo có con em đi XKLĐ. Thế nhưng ban chỉ đạo XKLĐ huyện đã từ chối.

 

Còn ông Trịnh Vĩnh Hội, Tổng giám đốc Tổng công ty Châu Hưng, mô hình liên kết XKLĐ thật là vất vả và khó khăn. Các doanh nghiệp phải tổ chức hội thảo, tư vấn từ tỉnh xuống đến huyện, đến xã rồi đến thôn. Nếu gặp được ban chỉ đạo nào mà nhiệt tình và vì dân thì công việc rất trôi. Còn nếu gặp ban chỉ đạo nào hống hách đòi hỏi thì doanh nghiệp thật trắc trở.

 

Trước kia việc hỗ trợ của doanh nghiệp đối với Ban chỉ XKLĐ là tự nguyện thì nay đã trở thành điều kiện bắt buộc đối với doanh nghiệp. Một số địa phương “đặt giá” với Công ty khoảng 1.5 triệu/lao động. Tức là để chuyển 1 lao động qua Ban chỉ đạo XKLĐ của địa phương đó, ngoài các chi phí theo quy định, doanh nghiệp còn phải trả cho Ban chỉ đạo XKLĐ địa phưong 1-1,5 triệu đồng/1 lao động. Nếu không trả thì lao động rất khó làm được thủ tục xác nhận để vay vốn và làm hộ chiếu qua huyện và số lao động này sẽ được chuyển cho công ty khác ngay. 

 

Một thực tế là  không bao giờ doanh nghiệp tự móc tiền túi của mình để trả khoản này cho địa phương. Nếu chi cho địa phương từ 200 - 300 USD thì đều tính vào túi người lao động. Như vậy khi địa phương hành doanh nghiệp thì cũng chính là đã móc tiền túi của con em mình.

 

Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, để ban chỉ đạo XKLĐ một số địa phương hành xử như vậy cũng phần do lỗi từ các doanh nghiệp khi nhiều doanh nghiệp đã chủ động "bồi dưỡng" ban chỉ đạo địa phương. Và doanh nghiệp đến sau lại muốn cạnh tranh doanh nghiệp đến trước để tuyển nhiều lao động nên phí cứ thế đội lên.

 

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Lương Trào, trước hiện tượng tiêu cực nảy sinh ở một số địa phương hoặc một số công đoạn nào đó trong quy trình liên kết, Bộ cũng đã công văn gửi ban chỉ đạo các địa phương để chấn chỉnh lại. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp XKLĐ cũng cần nhìn nhận lại. Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra kiểm tra và nếu có thông tin chính xác từ phía các doanh nghiệp hay địa phương nào vi phạm, Bộ sẽ có biện pháp hoặc kiến nghị xử lý.

 

Mai Minh