1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

7 cách “nuôi dưỡng” động lực làm việc

(Dân trí) - Trong cuộc sống, đôi lúc bạn sẽ không thể tránh khỏi cảm giác chán nản, mệt mỏi và mất động lực trong công việc. Đây là tình trạng xảy ra cả với những người mới đi làm lẫn người đã có nhiều kinh nghiệm.

7 cách “nuôi dưỡng” động lực làm việc
 
Để duy trì động lực làm việc dồi dào cho một sự nghiệp thành công không ngừng, dưới đây là 7 “chiêu” bạn có thể áp dụng:

 

Thay đổi

 

Không phải thay đổi công việc, lĩnh vực hay trở thành một con người hoàn toàn khác mà thay đổi những thứ đã lỗi thời, không còn hiệu quả. Chẳng hạn, cách quản lý thời gian của bạn chưa được hợp lý và nó khiến bạn trì trệ trong công việc. Thế nên, bạn nên thay đổi cách phân bổ thời gian của mình.

 

Với mỗi thay đổi, bạn cần định trước kết quả sẽ ra sao, sau đó vạch ra một kế hoạch hành động cụ thể và thực hiện từng bước để hiện thực hóa thay đổi đó.

 

Lập mục tiêu

 

Mục tiêu khiến chúng ta không quên rằng mình phải vượt qua mọi khó khăn bởi phía cuối con đường là đích đến đáng để vững tiến. Sẽ thật khó để bạn duy trì động lực làm việc nếu bạn không biết mình muốn đạt được gì. Thay vào đó, hãy bắt đầu từ điều đơn giản như tìm ra lý do bạn phải thức dậy mỗi sáng để đi làm và biến chúng thành động lực của bạn.

 

Nhưng đó chỉ là mục tiêu tạm thời. Bạn cần tìm ra điều mình luôn khát khao và đam mê trong cả sự nghiệp hay một thời gian nhất định. Tiếp đó, lập chiến lược để đạt được chúng. Lưu ý, bạn nên thực hiện nguyên tắc lập mục tiêu “thông minh” – cụ thể, khả thi, thực tế, có thể đo lường kết quả trong một giới hạn thời gian.

 

Trở thành chỗ dựa của người khác

 

Thay vì dựa dẫm vào người khác, bạn hãy mạnh mẽ trở thành chỗ dựa đáng tin cậy cho người quan trọng của mình như gia đình, người yêu… Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng có người đang phụ thuộc vào mình để không chùn bước trước bất cứ chướng ngại vật nào trong công việc.

 

Sắp xếp lại công việc

 

Bàn làm việc bừa bộn, dự án nọ “chồng” dự án kia sẽ làm giảm đáng kể tinh thần làm việc của bạn. Vì vậy, hãy sắp xếp lại công việc của mình, lau dọn bàn làm việc, phân loại lại các thư mục trong máy tính, giải quyết dứt điểm từng dự án. Bạn sẽ thấy mình được tiếp thêm động lực để tiếp tục công việc.

 

Xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp tích cực

 

Đúng như câu “Chọn bạn mà chơi”, trong công sở, bạn nên giao lưu với những người nhiệt tình, năng nổ và luôn khuyến khích, động viên người khác. Chắc chắn, bạn sẽ được “nhiễm” tinh thần làm việc hăng hái của họ.

 

Tham khảo cách giải quyết vấn đề của người khác

 

Hãy tìm hiểu biện pháp những người xung quanh áp dụng để giải quyết vấn đề động lực lao động sụt giảm của họ. Trong quá trình này, có thể bạn sẽ tìm ra phương pháp nâng cao động lực cho chính mình. Và đừng ngại copy cách làm của người khác nếu nó hiệu quả với bạn.

 

Thay đổi quan điểm

 

Đôi khi bạn thường hạn chế khả năng của mình bằng cách nghĩ rằng “Mình đã làm rất tốt và không thể tốt hơn được nữa” và làm cho sự nghiệp chững lại. Trong vô vàn thứ thay đổi trong công sở hàng ngày, một yếu tố quan trọng mà bạn có thể kiểm soát là quan điểm của mình. Động lực sẽ tạo ra nhiều động lực hơn. Vì vậy, đừng tự thỏa mãn với bản thân mà hãy luôn luôn tìm kiếm và tiếp cận với những thử thách mới trong công việc.

 

Vũ Vũ

Theo Careerlism