6 sai lầm thường gặp trong quá trình tìm việc

(Dân trí) - Tìm việc là một quá trình được liên kết chặt chẽ giữa các khâu, từ chọn công việc, tìm công ty tới nộp hồ sơ, phỏng vấn. Những sai lầm khi bắt đầu có thể mang đến kết quả không như mong đợi. Chính vì thế, bạn cần cẩn trọng trong cả quá trình.

 

Dưới đây là một số sai lầm bạn cần tránh khi tìm việc:

 

1. Chỉ sử dụng một công cụ tìm việc

Cũng như nhiều người khác trong quá trình tìm việc, bạn chỉ sử dụng một công cụ và Internet là công cụ phổ biến nhất hiện nay. Đây là một sai lầm thường gặp. Thực ra, Internet chỉ giúp bạn có thông tin về nhà tuyển dụng chứ không thể giúp bạn thành công trong quá trình tìm việc. Bạn cần sử dụng kết hợp nhiều công cụ khác như mạng lưới quan hệ, trung tâm tuyển dụng… Nhiều cách tiếp cận khác nhau đồng nghĩa với việc các cơ hội của bạn càng được mở rộng.

 

2. Bạn không tập trung vào quá trình tìm việc

Bạn chỉ đơn giản gửi hàng đống sơ yếu lí lịch một tuần và chờ đợi. Việc này giống như thả một điều ước trong chai vào đại dương rộng lớn và hi vọng sẽ có người đọc được nó. Bạn cần năng động và toàn tâm hơn cho công cuộc tìm việc của mình. Hãy tập trung và bạn sẽ sớm đạt được kết quả tốt.

 

3. Viết hồ sơ xin việc một cách cẩu thả

Cách trình bày cẩu thả hay lỗi ngữ pháp ngớ ngẩn trong bất cứ tài liệu xin việc nào cũng có thể loại bạn ra khỏi cuộc đua. Một thống kê của trang CareerBuilder cho thấy 47% nhà tuyển dụng nói rằng những lỗi nhỏ trong sơ yếu lí lịch có thể loại trừ ứng viên ngay từ vòng hồ sơ. Do đó, hãy xem xét thật kĩ hồ sơ xin việc của mình trước khi gửi đi. Bạn nên dành dành thời gian hoặc nhờ người khác kiểm tra CV, đơn xin việc để đảm bảo rằng chúng đã thật hoàn hảo.

 

4. Không củng cố thêm sức mạnh

Một cách đơn giản để nổi bật giữa các ứng viên khác: làm cho nhà tuyển dụng nhớ rõ hơn về bạn sau khi đã gửi sơ yếu lí lịch bằng một cuộc điện thoại hay một email ngắn gọn trình bày sự quan tâm của bạn tới vị trí. Cũng theo một thống kê của CareerBuilder, 86% nhà tuyển dụng cho biết người tìm việc nên liên lạc với phòng nhân sự trong vòng 2 tuần sau khi gửi hồ sơ. Tuy nhiên, chỉ một số ít nhân viên làm được điều này. Vì vậy, đừng chần chừ để tiếp cận với nhà tuyển dụng một cách mạnh mẽ hơn.

 

5. Bạn nản chí

Sau một thời gian dài tìm việc không có kết quả, bạn bắt đầu buông xuôi. Bạn không cập nhật cách phỏng vấn và thờ ơ với hồ sơ xin việc. Đây là một phản ứng tiêu cực. Tìm việc là một quá trình dài đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực. Hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân bạn thất bại và khắc phục chúng.

Ví dụ, bạn đã trải qua một vài cuộc phỏng vấn nhưng chưa nhận được lời đề nghị nào. Vấn đề rõ ràng không phải ở sơ yếu lí lịch hay đơn xin việc mà ở kĩ năng trả lời phỏng vấn của bạn. Hãy xem xét lại cách bạn trả lời và luyện tập thật kĩ cho cuộc phỏng vấn tiếp theo. Chắc chắn, bạn sẽ trải qua cửa ải khó khă này.

 

6. Bạn không coi trọng mạng lưới quan hệ

Mạng lưới quan hệ là công cụ hiệu quả nhất để tìm việc thành công. Thật sai lầm khi bạn lại bỏ qua nó! Hãy nói chuyện với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, sếp cũ, thậm chí cả bác sĩ của bạn và duy trì liên lạc với họ. Ngoài ra những mạng xã hội trực tuyến như Facebook, Twitter cũng có thể mang đến cho bạn những cơ hội tiềm năng.

 

Kể cả trong giai đoạn kinh tế không ổn định vẫn có công việc dành cho mọi người, đặc biệt với những ứng viên có kĩ năng và trình độ tốt. Do đó, hãy kiên trì, tỉnh táo và tránh những sai lầm trên. Chắc chắn bạn sẽ sớm đạt được công việc mong muốn của mình.

 

Vũ Vũ
Theo MSN