5 liều thuốc đặc hiệu khi làm việc với sếp
(Dân trí) - “Gần sếp như gần hổ”, áp lực và căng thẳng khi làm việc với sếp khiến nhiều nhân viên chọn phương án “tránh bão” hoặc tỏ thái độ mặc kệ mỗi khi nảy sinh bất đồng. Tình trạng này kéo dài sẽ không tốt cho công việc, vậy làm gì để thay đổi điều này?
Vì sếp là… sếp
Mỗi cấp quản lý trong công ty đều phải chịu nhiều nhiều tròng áp lực: thành tích trong công việc, cạnh tranh giữa các phòng ban và giữ uy đối với nhân viên. Thế nhưng không phải vị sếp nào cũng cân bằng tốt công việc và cảm xúc. Thế mới hiểu ngay cả vị sếp tuyệt vời nhất cũng sẽ có những lúc:
- Gửi những email không rõ ràng
- Bắt lỗi mọi việc bạn làm
- Vô cớ chỉ trích, phê bình bạn
- Giám sát bạn quá kỹ
- Cướp công của bạn
- Không tiết lộ sự thật
- Thực hiện “chia để trị” để quản lý nhân viên
- Bỏ mặc, không thèm chú ý đến bạn
- Không ra quyết định dứt khoát
Với những tình huống như thế, bạn chọn cách trốn tránh, than phiền với các đồng nghiệp khác, thậm chí có lúc bạn cãi tay đôi với sếp? Tiếc thay, những phản ứng của bạn có thể chỉ làm tình hình thêm tệ hại.
Đâu là liều thuốc đặc hiệu?
Ám ảnh
Nếu bạn không thể ngưng suy nghĩ về bức email không rõ ràng, hoặc cứ mãi thắc mắc về chỉ đạo mâu thuẫn của sếp, và trong đầu bạn không ngừng bật đi bật lại đoạn đối thoại “nảy lửa” lúc sáng với sếp, bạn đang mang theo mình ám ảnh về bất đồng với sếp vì chưa thể tìm được lối ra.
Hãy thử: Tự nói với chính mình "Cứ nghĩ đi nghĩ lại như vậy có thật sự giải quyết được vấn đề?" (Hẳn nhiên câu trả lời sẽ là: "Không!") Khi đã “điều chỉnh” lại tư tưởng, hãy tham gia các hoạt động như tập thể dục, đi dạo, tâp thể thao. Những vận động chân tay sẽ xua đuổi cảm giác lo lắng và làm bạn tĩnh tâm hơn – giải pháp công việc cũng sẽ dễ dàng tìm đến bạn.
Lảng tránh
Quá nhiều bất đồng và hiểu lầm giữa bạn với sếp khiến bạn chọn cách “tránh bão”. Bạn lảng tránh các cuộc chuyện trò, giữ im lặng trong khi họp hành và luôn giữ khoảng cách với sếp.
Hãy thử: Trụ vững trên đôi chân mình - lảng tránh sếp chỉ khiến bạn trông yếu đuối. Bạn cần thể hiện sự chuyên nghiệp: tập trung vào công việc, lưu giữ các cuộc đối thoại và email với sếp về công việc, trao đổi bình tĩnh và mềm mỏng với sếp để tìm tiếng nói chung.
3. Ước gì sếp biến mất
Bạn cầu mong những gì điều không may sẽ xảy đến với sếp và hy vọng sếp sẽ sớm rời khỏi chức vụ. Bất cứ xui rủi gì mà sếp gặp phải đều khiến bạn hỉ hả trong lòng.
Hãy thử: Thay vì tưởng tượng những điều ấy, hãy tập trung thiết lập quan hệ và tạo uy tín cho bản thân. Hãy nói với chính mình: thăng tiến hoặc tìm một công việc mới tốt hơn sẽ là đòn trả thù đẹp nhất dành cho sếp.
4.Than phiền
Bạn tường thuật tất tần tật mọi chuyện với các đồng nghiệp khác kèm theo những lời than vãn về sự bất công hay độc đoán của sếp. Bạn muốn phá đổ uy tín và hình tượng của sếp trong mắt người khác.
Hãy thử: Nếu lần sau bạn vẫn muốn than phiền vế sếp, hãy tự ngăn mình lại. Thay vì phá đổ hình ảnh sếp, hãy dùng năng lượng đó để xây dựng hình ảnh của mình, tạo mạng lưới và quan hệ, cũng như củng cố và nâng cao kỹ năng.
5. Chuyển chế độ off
Tất cả các tương tác giữa bạn với sếp đều chuyển sang chế độ off. Bạn lẳng lặng làm tốt các công việc nhưng “không thèm” nhìn mặt và nói chuyện với sếp. Thái độ của bạn như một kiểu làm cao, hoặc làm nư để sếp biết thế nào là giá trị của bạn.
Hãy thử: Đây thường là chiêu cuối cùng của các nhân viên khi bất đồng của họ với sếp đã đi quá giới hạn chịu đựng. Tuy nhiên, chiến lược tốt nhất cho bạn là vẫn giữ thái độ nhã nhặn và chuyên nghiệp. Bạn có thể tìm lời khuyên ở cấp quản lý cao hơn hoặc hoạch định hướng đi mới cho công việc của mình.
Hoàng Vy Ân
Theo MSN