Dược mỹ phẩm: Hiểu đúng để dùng đúng

Dược mỹ phẩm đã xuất hiện và đang trở thành 1 xu hướng tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Đó chính là các mỹ phẩm được bán trong các nhà thuốc hay thuốc có hình thức như mỹ phẩm?

Tại buổi Tọa Đàm Dược mỹ phẩm: Hiểu đúng và Dùng đúng diễn ra tại Tòa soạn Tư vấn Tiêu & Dùng (Thời báo Kinh tế Việt Nam) diễn ra chiều ngày 13/1/2017, những câu chuyện xoay quanh cái tên dược mỹ phẩm đã được các chuyên gia đầu ngành về Da liễu, Dược học và các chuyên gia làm đẹp, nhà sản xuất dầu gội đầu… sôi nổi phân tích, làm rõ.


Quang cảnh buổi tọa đàm

Quang cảnh buổi tọa đàm

Dược mỹ phẩm là sản phẩm gì?

Có thể nói, dược mỹ phẩm là một thuật ngữ không còn xa lạ với nhiều người Việt Nam. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng, cho đến nay, cơ quan quản lý chưa hề có văn bản pháp lý riêng cho dòng sản phẩm này. Nhìn rộng ra, ngay cả FDA cũng chưa hề có luật riêng cho dược mỹ phẩm (cosmeceutical) dù dòng sản phẩm này đã xuất hiện từ năm 1996 đến nay.

Do đó, ngay từ phần tên gọi, các khách mời tham gia Tọa đàm đã có những trao đổi rất cởi mở và thẳng thắn.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ Nhiệm phụ trách Khoa Y dược, ĐHQG HN cho biết những mỹ phẩm có hoạt tính sinh học nhẹ, mang lại lợi ích cho các bộ phận cơ thể khi sử dụng thì có thể gọi là mỹ phẩm chức năng hay mỹ phẩm hoạt tính hay dược mỹ phẩm. Hay nói rõ hơn, dược mỹ phẩm chính là sự lai ghép giữa mỹ phẩm và dược phẩm.

Một ví dụ được đưa ra là dầu gội đầu (mỹ phẩm) + chống gàu (thuốc) = dầu gội trị gàu (Dược mỹ phẩm).

ThS. DS Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Giám đốc Công ty Sao Thái Dương, viện dẫn cách quản lý, kiểm tra theo sự công bố từ nhà sản xuất của FDA với dòng sản phẩm đặc biệt này. Đó là nếu nhà sản xuất công bố mục tiêu của sản phẩm có tác dụng điều trị thì sẽ là thuốc và nếu công bố tác dụng làm sạch, làm đẹp thì đó là mỹ phẩm.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, Chuyên gia cao cấp về Dược học, khẳng định: Nên chính thức hóa tên gọi Dược mỹ phẩm. Đây là dòng sản phẩm có tác dụng y học, gần giống như thuốc.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS. BS Phạm Văn Hiển, Nguyên Viện trưởng Viện Da liễu, nguyên Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, cho rằng nên dùng từ dược mỹ phẩm thay cho mỹ phẩm như hiện nay.


GS.TS. BS Phạm Văn Hiển, Nguyên Viện trưởng Viện Da liễu, nguyên Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam

GS.TS. BS Phạm Văn Hiển, Nguyên Viện trưởng Viện Da liễu, nguyên Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam

GS cũng cho biết sản phẩm làm đẹp này đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực điều trị da liễu và dẫn chứng ngay: “Những trường hợp viêm da dầu, viêm da tiết bã… ở da đầu đều được tư vấn sử dụng dầu gội Thái Dương 7 và cho kết quả rất tốt”.

GS.TS Phạm Xuân Sinh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dược học cổ truyền, Trường ĐH Dược Hà Nội, cũng đồng tình với cách gọi dược mỹ phẩm vì trong nhà thuốc đều có 1 tủ bán các sản phẩm được gọi là mỹ phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Có thể nói, cái tên Dược Mỹ phẩm đã nhận được sự đồng thuận cao của nhiều chuyên gia đầu ngành tại buổi Hội thảo cho 1 dòng sản phẩm không mới trên thị trường.

Tiêu chí nào cho dược mỹ phẩm?

Với tính năng ảnh hưởng lên cơ thể, có tác dụng điều trị 1 bộ phận nào đó của cơ thể nên vấn đề tiêu chí an toàn đối với sản phẩm dược mỹ phẩm đã được các chuyên gia đặt ra một cách rất nghiêm túc.

PGS.TS Lê Văn Truyền khẳng định: Vì dược mỹ phẩm có tác dụng y học, gần giống thuốc nên dù chỉ tiếp xúc ngoài da nhưng không chỉ có tác dụng tại chỗ mà có tác dụng toàn thân (đi vào máu, làm thay đổi một số chức năng cơ thể).

PGS Truyền dẫn chứng, như các trường hợp dùng kem trộn trôi nổi ngoài chợ, da lúc đầu đẹp lên nhưng sau đó còn nổi mụn nhiều hơn và đi khám thì lúc này các chất độc hại trong kem trộn đã ngấm vào thận, gây độc; hay các sản phẩm mỹ phẩm chứa chất bảo quản parabens (đã bị EU cấm) trong các mỹ phẩm mà nếu bôi ở cánh tay sẽ đi vào ngực rất nhanh, gây ung thư ngực.

PGS. Truyền khẳng định dược liệu an toàn hơn hóa dược và xu hướng chung của toàn cầu là muốn dùng sản phẩm sạch, tự nhiên.

GS. Phạm Văn Hiển hoàn toàn đồng ý với vấn đề trên và cho rằng cần có tiêu chí an toàn rõ ràng với dòng sản phẩm có tác dụng lên cơ thể người này. Cụ thể, dòng sản phẩm dược mỹ phẩm cần có 5 tiêu chí gồm: không kích ứng da, không tổn thương collagen, không rối loạn tuần hoàn, không viêm da, không kích thích các tổn thương khác trong cơ thể.

Các chuyên gia khác cũng đồng tình với những tiêu chí này và GS.TS Phạm Xuân Sinh còn bổ sung tiêu chí có hiệu quả, tốt cho 1 bộ phận cơ thể cũng như trị được 1 chứng bệnh để phân biệt dược mỹ phẩm với mỹ phẩm.

Trước các ý kiến xác đáng của các chuyên gia, ThS. DS Nguyễn Thị Hương Liên vui mừng chia sẻ hướng đi đúng của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương khi nghiên cứu và sản xuất dầu gội dược liệu Thái Dương 7. Đó là trong suốt quá trình xây dựng, phát triển sản phẩm này, công ty luôn tuân thủ việc đánh giá sản phẩm qua 5 tiêu chí: độ an toàn và tác dụng của sản phẩm; độ ổn định của sản phẩm; Nghiên cứu kích ứng da và độc tính bán trường diễn trên thực nghiệm, nghiên cứu tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm trên thực nghiệm; hiệu quả trong điều trị rụng tóc, gàu và tóc hư tổn.

Trong đó, về độ an toàn và tác dụng, 100% người tình nguyện sử dụng không có các phản ứng dị ứng, phản ứng ban đỏ, phản ứng phù nề khi sử dụng. Kết quả cho thấy sau 3,5 và 7 ngày có gần 80% người sử dụng hết các triệu chứng gàu và ngứa da đầu.

Có thể nói, buổi Tọa đàm đã diễn ra thành công, góp phần làm rõ vai trò của dược mỹ phẩm - đó là làm sạch, làm đẹp, tăng cường sự hấp dẫn, thay đổi diện mạo và tác dụng có lợi cho 1 bộ phận cơ thể khi sử dụng. Tác dụng có lợi này là do dược mỹ phẩm có sử dụng thêm các chất có tác dụng sinh học trong thành phần. Và các chất này luôn được kiểm soát trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm với quan điểm ngày càng toàn diện hơn.

Nhân Hà