1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xuất ngoại làm vàng

Nhiều doanh nghiêp kinh doanh vàng cho biết, họ đang có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và quảng bá thương hiệu tại các nước xung quanh, cụ thể là Lào và Campuchia.

Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết, SJC đã trình Chính phủ phương án mở xưởng sản xuất vàng miếng tại Lào để đưa thương hiệu vàng miếng SJC sang thị trường này. Nếu được UBND TPHCM cho phép và được Chính phủ Lào cấp giấy phép, thì có thể cuối năm nay, SJC sẽ sản xuất vàng miếng SJC tại Lào.

“Đây là một bước tiến quan trọng. Mặc dù trong thực tế, vàng miếng của SJC đã được bán tại nước này nhưng mở xưởng sản xuất vàng, và vàng được in bằng ngôn ngữ sở tại thì sẽ tạo điều kiện cho SJC quảnng bá thương hiệu, người dân Lào sẽ dễ dàng biết đến và tiêu thụ vàng SJC hơn”, ông Long chia sẻ

Theo ông Long, Lào và Campuchia cũng là hai nước mà người dân có nhu cầu cất trữ vàng, vì vậy đó là cơ hội cho các thương hiệu vàng miếng có chất lượng như SJC. Do đó, SJC sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc sản xuất và bán nữ trang tại Lào năm 2011, sau đó sẽ mở rộng sang Campuchia.

Xuất ngoại làm vàng  - 1
Lợi thế lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào Lào và Campuchia là các nước này chưa tự sản xuất vàng miếng. (Ảnh: internet)
 
Trước SJC, ngày 24/6 vừa qua Công ty vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ đã khai trương Công ty Sacombank-SBJ Campuchia tại thủ đô Phnom Penh với vốn điều lệ 3 triệu USD.
 
Theo bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc SBJ, Campuchia là thị trường giàu tiềm năng với nguồn dự trữ, khai thác vàng dồi dào. Việc mới đây Campuchia phát hiện mỏ vàng 8,1 triệu tấn được xem là cơ hội để SBJ Campuchia mua nguyên liệu vàng tại chỗ để sản xuất vàng miếng nguyên chất đạt chuẩn quốc tế.

Theo bà Chi, lợi thế lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào Lào và Campuchia là các nước này chưa tự sản xuất vàng miếng.

Sau vàng miếng, SBJ đang tính toán việc đưa nữ trang sang Campuchia vào năm sau; lúc đầu SBJ sẽ bán nữ trang sản xuất ở Việt Nam, nhưng về lâu dài thì SBJ sẽ mở xưởng sản xuất nữ trang tại đây.

“Người Campuchia có thói quen đeo nhiều vàng, nhưng kiểu thô và mộc hơn nữ trang dạng tinh xảo tại Việt Nam. Để sản xuất nữ trang tại nước này, chúng tôi phải sử dụng bàn tay người thợ của nước họ, nhưng rất khó tuyển. Chúng tôi không thể đưa thợ Việt Nam sang Campuchia vì nước này chỉ cho phép doanh nghiệp sử dụng 10% lao động nước ngoài", bà Chi nói.

Còn bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng cho biết, PNJ cũng đang xúc tiến bán hàng qua Campuchia và Lào. Nhưng khác với các doanh nghiệp nói trên, PNJ sẽ chỉ bán nữ trang, những mặt hàng trung cấp trở xuống để thăm dò thị trường trước khi tiến đến các bước khác.

Trao đổi với báo giới gần đây, Tổng giám đốc Tổng công ty vàng Agribank (AJC) Nguyễn Thanh Trúc cho biết, chính sách xuất nhập khẩu của thị trường Campuchia rất thông thoáng. Ngoài ra, từ khi sàn vàng ở Việt Nam đóng cửa, cộng với việc giao dịch vàng tài khoản ở nước ngoài bị ngưng hoạt động, mãi lực mua bán vàng trong nước trở nên yếu. Do đó, thị trường Campuchi và Lào là nơi được nhiều doanh nghiệp vàng của Việt Nam hướng đến để tìm kiếm cơ hội mới.

"AJC cũng đang khảo sát thị trường Campuchia để chuẩn bị kế hoạch thâm nhập thị trường này trong thời gian tới", ông Trúc cho biết.

Theo Thanh Thương
TBKTSG

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm