Xuất khẩu năm 2010 đạt khoảng 71,6 tỷ USD
(Dân trí) - Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 ước đạt khoảng 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009 và vượt 18% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đây được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2010.
Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,8 tỷ USD, tăng 27,8% và chiếm 54,2% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Còn nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước đạt 32,8 tỷ USD, tăng 22,7%.
Cũng như mọi năm, hàng dệt may tiếp tục đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu (đạt 11,2 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước. Mặt hàng da giày và thuỷ sản dù chịu nhiều áp lực song do có sự đầu tư chiều sâu, tạo mặt hàng mới và mở rộng thị trường nên kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt trên 5 tỷ USD; kim ngạch mặt hàng gạo là 3,2 tỷ USD; cao su đạt 2,38 tỷ USD... tất cả đều vượt trên mục tiêu đề ra.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đây là kết quả do năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu được sản xuất tại Việt Nam đã được nâng lên một bước. Bên cạnh đó, khối lượng hàng xuất khẩu gia tăng, dồi dào hơn những năm trước, đồng thời giá xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều tăng.
Năm 2010, chúng ta cũng có thêm 5 mặt hàng mới có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là mặt hàng: hạt điều, xăng dầu các loại, sản phẩm chất dẻo, dây điện cáp điện và phương tiện vận tải, đưa tổng số mặt hàng có kim ngạch 1 tỷ USD trở lên là 18 mặt hàng.
Đáng chú ý, trong năm 2010, theo nhận định của Bộ Công Thương, chất lượng tăng trưởng xuất khẩu được cải thiện, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu đã có những chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần xuất khẩu hàng thô.
Nhìn nhận về xu hướng xuất khẩu năm 2011, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh những lợi thế về nền kinh tế các nước nhập hàng hóa của Việt Nam đang dần phục hồi thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn.
Có thể kể đến như: giá điện, than, các nguyên liệu đầu vào ngày càng tăng; cuộc khủng hoảng nợ công tại một số nước châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp; xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng leo thang; rồi cả năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản; khoáng sản đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao…
LH