Xuất khẩu gạo: lỗ vì chạy theo thành tích?
Giá gạo xuất khẩu đang tăng mạnh nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu lại bị lỗ. Nông dân cũng không được hưởng lợi vì hiện nay lắm giữ lúa chủ yếu là những người kinh doanh gạo trung gian. Kết quả, Doanh nghiệp phải trả "học phí" còn người nông dân chịu thiệt.
Sôi động thị trường gạo
Giá gạo xuất khẩu (XK) Việt Nam đã tăng mạnh trở lại từ giữa tháng 5/2006. Những ngày gần đây, một số nhà nhập khẩu nước ngoài chào mua gạo VN với mức 258-260 USD/tấn (loại 5% tấm), tăng 18-20 USD/tấn so với cuối tháng trước. Tương tự, các loại gạo 25% tấm và 15% tấm cũng tăng 12-15 USD/tấn.
Thị trường gạo XK càng thêm nóng khi VN trúng thầu cung cấp cho Iraq 50.000 tấn gạo 5% tấm với giá lên đến 270 USD/tấn (giá FOB). “Các doanh nghiệp (DN) có lường trước được là giá gạo XK sẽ tăng trở lại nhưng cũng không ngờ giá lại tăng cao đến thế”, giám đốc một DN thừa nhận.
Giải thích về hiện tượng giá gạo tăng đột biến hiện nay, một số DN cho biết nhiều nhà nhập khẩu gạo từ châu Phi sau một thời gian chuyển sang mua gạo của Pakistan đã quay trở lại mua gạo VN. Các nhà nhập khẩu Iran và Iraq, vốn chuộng loại gạo Thái Lan, cũng bắt đầu tìm đến nguồn hàng tại VN.
Giá lúa, gạo trong nước đã tăng theo giá gạo XK. Giá lúa đông xuân loại tốt bán ra tại ĐBSCL đã lên tới 2.550-2.600 đồng/kg, tăng 400-500 đồng/kg so với giữa tháng trước. Lúa hè thu sớm có giá “mềm” hơn nhưng cũng lên đến 2.350-2.450 đồng/kg.
Một số DN cho biết cùng với những đơn hàng mới, nay cũng đã đến hạn giao hàng cho Philippines theo các hợp đồng đã ký, càng làm cho thị trường gạo nội địa thêm nóng. Trong khi đó, lượng lúa hàng hóa trong dân không còn nhiều, vụ đông xuân đã thu hoạch, chưa vào vụ hè thu, càng gây áp lực lên giá lúa.
Doanh nghiệp tính sai, nông dân thiệt
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực XK gạo cho rằng việc các DN đua nhau ký hợp đồng bán gạo khi giá đang thấp không phải do “thiếu vốn”, mà là do chạy theo “thành tích XK”. Năm 2005, một số DN cũng đã bị lỗ nặng, có DN lỗ 10 tỉ đồng/tháng.
Bài học này cũng đã từng được học ở các năm trước đây nhưng các DN, chủ yếu là DN nhà nước, vẫn “chịu khó” trả học phí. Thiệt thòi vẫn là người nông dân và hoạt động XK gạo của VN. |
“Do đã lỡ ký hợp đồng với giá thấp nên nhiều DN đang như ngồi trên lửa”, một cán bộ của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) nhận định. Theo vị cán bộ này, trong tháng ba và tháng tư vừa qua, giá gạo XK của VN liên tục giảm, trong đó gạo 5% tấm thấp nhất chỉ còn 232 USD/tấn, DN lại đua nhau ký hợp đồng XK. Theo giải thích của các DN, việc ký hợp đồng XK gạo vào thời điểm giá quá thấp là... giải pháp tình thế, ký hợp đồng mới có điều kiện vay tiền ngân hàng trang trải cho các hoạt động của DN.
Thế nhưng, hậu quả của những hợp đồng XK gạo giá thấp là những khoản thua lỗ khá lớn của nhiều DN vào thời điểm hiện nay.
Theo tính toán của một chuyên gia về lĩnh vực gạo, với giá lúa ở mức 2.500 đồng/kg, giá thành gạo XK hiện đã vượt mức giá mà DN đã ký hợp đồng trước đây. Với gạo 5% tấm cao hơn 20 USD/tấn, gạo 25% tấm cao hơn 10-12 USD/tấn. Đó cũng chính là những khoản lỗ lã mà DN phải chịu cho mỗi tấn gạo lỡ ký bán giá thấp.
Người nông dân cũng bị “vạ lây” do DN tính toán sai. Do ký hợp đồng bán gạo giá thấp nên trong khoảng thời gian từ đầu tháng ba đến cuối tháng tư, các DN cũng mua lúa đông xuân của nông dân với giá khá bèo, chỉ khoảng 2.000-2.200 đồng/kg.
Đây cũng là thời điểm nông dân đẩy mạnh bán lúa để lấy tiền chuẩn bị cho mùa vụ sau và trang trải chi phí sinh hoạt. Do vậy, đa số nông dân không được hưởng lợi do giá lúa đang tăng cao vì hiện nay nắm giữ lúa chủ yếu là những người kinh doanh gạo trung gian.
Theo Hải Đăng
Báo Tuổi trẻ