TPHCM:

Xử “ông trùm” sản xuất mũ bảo hiểm giả để… cho vui?

(Dân trí) - Thị trường mũ bảo hiểm (MBH) vốn đã bát nháo, thế nhưng những cố gắng lập lại trật tự của lực lượng chức năng ở nhiều tỉnh thành dường như chỉ… cho vui. Mức phạt không đủ tính răn đe, thế nên những “ông trùm” sản xuất MBH liên tục tái phạm.

Vi phạm đến 6 lần

Đến nay, cơ sở Sóng Hùng (NAPOLI), đã có mẫu không đạt chất lượng 6 lần tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, An Giang, Ninh Thuận và Bình Thuận; tiếp đó là cơ sở Trương Thị Nội (NANA), đều có mẫu không đạt chất lượng 4 lần tại TP Hà Nội, Ninh Thuận, Vĩnh Long và An Giang; Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại Tân Vạn Phước (VIA-TVPVIA), vi phạm về chất lượng 3 lần tại TP Hà Nội, Vĩnh Long và An Giang.

Thị trường mũ bảo hiểm bát nháo vì chế tài quá nhẹ?
Thị trường mũ bảo hiểm bát nháo vì chế tài quá nhẹ?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* 'Thủy quái' trăm triệu vào tay thợ săn Việt

* Kiều hối về nước, mua đất cho chắc ăn?

* Mốt thắt lưng ngọc phỉ thúy, vòng tay xâu cục vàng

* Người Việt vừa làm vừa chơi!

* Putin lọt top 10 nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất năm 2014

* Người dân Nga vẫn lạc quan bất chấp việc đồng ruble giảm giá mạnh

* Kiếm lãi 100 triệu mỗi tháng nhờ trồng phong lan

Có 8 cơ sở sản xuất MBH không đạt chất lượng 2 lần gồm: Công ty TNHH MTV NABICO, Công ty TNHH MTV SX-TM Hoàng Quán (GRS), Công ty TNHH Long Huei (KCN Sóng Thần 2, tỉnh Bình Dương), đều tại  TP Hà Nội và Vĩnh Long; Công ty TNHH Hùng Hậu (Araya) và Công ty TNHH SX-TM-DV FIFA, đều tại TP Hồ Chí Minh và An Giang; cơ sở Kim Minh (M&M) tại An Giang và Bình Thuận; cơ sở Trí Liễu tại Bình Thuận và Cần Thơ; Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển công nghệ Sơn Tùng tại TP Hà Nội và Ninh Thuận.

Theo quy định nếu một cơ sở sản xuất MBH vi phạm 3 lần sẽ bị rút giấy chứng nhận hợp quy và đình chỉ lưu thông mặt hàng trên thị trường nhưng hiện nay nhiều cơ sở sản xuất MBH do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng 3 (Quatest 3 - Trung tâm 3) cấp giấy nhận hợp quy nhưng lại sai phạm hơn 3 lần mà vẫn chưa xử lý? Điều này khiến cho dư luận đặt câu hỏi liệu có “uẩn khúc” nào giữa doanh nghiệp với các trung tâm chứng nhận sản phẩm phù hợp chất lượng?

Trong khi, cơ quan cao nhất là Bộ khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao quản lý chất lượng MBH và chủ trì tăng cường phối hợp loại bỏ những chiếc mũ không đạt chuẩn. Thế nhưng, sau nhiều cuộc thanh, kiểm tra của 64 tỉnh, thành phố trong cả nước lẫn báo chí “vạch mặt” về sai phạm của các cơ sở sản xuất MBH kém chất lượng thì đến nay MBH kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường.
 
“Mua MBH theo kiểu mò cua bắt ốc như thế này thì không biết quyền lợi người tiêu dùng nằm ở đâu. Kể cả mua ở cửa hàng có đăng ký kinh doanh nhưng thực sự không bao giờ tôi yên tâm, nhưng do quy định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông nên đành nhắm mắt mà mua”, chị Nguyễn Thị Thanh Dung (ngụ quận 9, TPHCM) chia sẻ.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong số hơn 85 cơ sở sản xuất, nhập khẩu MBH trên toàn quốc, chỉ có khoảng 10 cơ sở tự sản xuất toàn bộ linh kiện và láp ráp MBH hoàn chỉnh. Tuy nhiên, hiện có tình trạng một số hộ sản xuất, kinh doanh còn kinh doanh MBH gắn tem hợp quy CR giả, gắn nhãn giả mạo thông tin về đơn vị sản xuất, kinh doanh MBH có xuất xứ từ nước ngoài nhưng chưa được chứng nhận hợp quy, sản xuất kinh doanh những loại mũ không phải là MBH. Kết quả cho thấy, có 25/44 mẫu MBH được thử nghiệm đang lưu thông trên thị trường không đạt chất lượng (chiếm gần 60%).

Có rút được giấy chứng nhận chất lượng?

Những cơ sở sản xuất MBH vi phạm nhiều lần nhưng cơ quan chức năng vẫn lúng túng xử lý
Những cơ sở sản xuất MBH vi phạm nhiều lần nhưng cơ quan chức năng vẫn lúng túng xử lý

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm 3 khẳng định, đến nay, ngoài sai phạm của cơ sở Sóng Hùng (Napoli) về lô hàng xuất sang Campuchia thì Trung tâm 3 tiếp tục xác minh làm rõ mức độ vi phạm về chất lượng của Napoli tràn ngập ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cụ thể, Trung tâm 3 đã cử lực lượng đi thu thập mẫu trên thị trường để xác minh rõ sự việc.  “Thời gian tới, Napoli có thể bị tước giấy chứng nhận hợp quy”, ông Lâm khẳng định.

Cũng theo ông Lâm, nếu muốn rút giấy này bản thân Trung tâm 3 phải cử lực lượng thu thập mẫu tại cơ sở sản xuất đó và trên thị trường để xác minh, xử lý theo thẩm quyền. Cụ thể, trước hết, cơ sở sản xuất phải có văn bản giải trình Trung tâm 3 có đúng mẫu mũ đó vi phạm hay không?. Hai là phải xác định đúng mẫu đó có phải mẫu do đơn vị Sóng Hùng sản xuất. Bên cạnh đó, có phải tất cả mẫu MBH đó vi phạm hay không? nếu vi phạm mới dừng lại xử lý lô hàng đó. Cho nên, việc xác định chất lượng MBH cần phải đánh giá trên cả hệ thống sản xuất của cơ sở đó.

“Những cơ sở sản xuất MBH không đạt ở Trung tâm chứng nhận phù hợp này nhưng khi đến Trung tâm khác lại đạt cũng cần phải xem lại năng lực một số đơn vị chứng nhận phù hợp. Đơn cử như cơ sở Trí Liễu đã nhiều lần kiểm tra không đạt nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận đạt”, - Ông Lâm khẳng định.

Với cách giải thích trên của ông Hoàng Lâm thì không biết khi nào một đơn vị đã vi phạm tới 6 lần (mới chỉ xác nhận tại 6 tỉnh, thành phố) mới bị rút giấy chứng nhận. Điều này, khiến cho người dân lãnh đủ trong việc mua và đội MBH sao cho đúng chất lượng.

Đại diện một doanh nghiệp tiết lộ, nhiều người, kể cả cơ quan chức năng vẫn chưa thấy hết sự "béo bở" của mặt hàng MBH. MBH vừa là nhu cầu thiết yếu cho sức khỏe tính mạng, lại vừa bắt buộc phải sử dụng, nếu không sẽ bị phạt nặng. Điều đó có nghĩa là mặt hàng MBH có thị trường vô cùng lớn. "Cầu" lớn như vậy nên không phải bỗng nhiên thời gian gần đây bùng phát vấn nạn MBH nhái, giả, kém chất lượng ở khắp các tỉnh, thành cả nước.

Trung Kiên
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”