1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thanh Hóa:

Xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu

Trần Lê

(Dân trí) - Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm trục lợi…

Tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng các sản phẩm xăng dầu trên địa bàn tỉnh này.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao các sở, ngành, địa phương quán triệt và khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2; tham mưu đề xuất, báo cáo những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu - 1

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm 35% sản lượng xăng dầu trong nước và là đối tác cung ứng xăng dầu lớn nhất cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước (Ảnh: PVN).

Sở Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan chủ động, quyết liệt trong điều hành cân đối cung - cầu thị trường, nắm bắt diễn biến giá cả, dự báo tình hình cung ứng, sử dụng sản phẩm xăng dầu, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và góp phần không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước nói chung; khẩn trương chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị có liên quan để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh xăng dầu chi tiết theo chỉ đạo trước đó của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Sở Công Thương phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác đến các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu, các cơ quan chức năng có liên quan và người tiêu dùng về tình hình sản xuất, nhập khẩu, phân phối, điều hành giá xăng dầu và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, của tỉnh Thanh Hóa về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu cũng như các biện pháp, chế tài xử lý, góp phần tạo sự ổn định của thị trường xăng dầu.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa được giao chủ trì, phối hợp tăng cường công tác kiểm tra các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm trục lợi và các hành vi vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cam kết chấp hành nghiêm chính sách điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; yêu cầu các cửa hàng xăng dầu niêm yết, bán đúng giá, bán đúng thời gian đăng ký các sản phẩm xăng dầu; đề xuất phương án xử lý với các đơn vị không đồng ý cam kết hoặc không chấp hành nghiêm cam kết.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Công an tỉnh này tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối và buôn bán sản phẩm xăng dầu.

Thanh tra tỉnh phối hợp với Thanh tra Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền để thực hiện kế hoạch thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu nhằm kịp thời phát hiện các sơ hở, bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc buôn bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo thẩm quyền, đảm bảo không bị gián đoạn cung ứng sản phẩm xăng dầu tới người tiêu dùng.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm chính sách điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và chủ động thực hiện các giải pháp điều hành sản xuất, kinh doanh theo thẩm quyền nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn và góp phần ổn định tình hình thị trường xăng dầu trên cả nước.

Trước đó, theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), do khó khăn về tài chính, nhà máy phải cắt giảm công suất sản xuất từ mức 105% xuống 80% và dự kiến ngừng sản xuất sau Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, sau đó, có chỉ đạo của Chính phủ và sau khi có nguồn cung cấp bổ sung tạm thời về tài chính từ PVN, nhà máy hiện vẫn duy trì sản xuất với công suất khoảng 60% và dự kiến sẽ nâng dần công suất lên 85% từ 12/3 và lên mức 100% từ 15/3. Việc duy trì sản xuất tạm thời đến khoảng tháng 5 năm nay.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm 35% sản lượng xăng dầu trong nước và là đối tác cung ứng xăng dầu lớn nhất cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước.

Có thể thấy vai trò của nhà máy này đóng góp trong tổng sản lượng xăng dầu cung ứng ra thị trường không hề nhỏ và việc nhà máy này giảm công suất cũng là nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu "nháo nhác" vừa qua.

Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP) là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008 do 4 thành viên góp vốn, bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Công ty Dầu khí quốc tế Cô-Oét (KPE), công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó PetroVietnam góp vốn 25,1%.