Thuê đất nông nghiệp:

Xu hướng mới “hậu” khủng hoảng lương thực

(Dân trí) - Arập Xêút, quốc gia Trung Đông giàu dầu mỏ nhưng nghèo đất canh tác, đang lên kế hoạch thuê đất nông nghiệp của Indonesia để cải thiện tình trạng phụ thuộc lương thực như hiện nay.

Chính phủ Indonesia vừa đưa ra kế hoạch dành vùng đất có diện tích tương đương Kowait thuộc vùng hẻo lánh Papua chuyên trồng lúa, mía đường và đậu tương cho các nhà đầu tư Arập Xêút canh tác để hưởng một phần thu hoạch trị giá hàng trăm triệu USD.

Tuy nhiên kế hoạch này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không phải tất cả nông dân đều ủng hộ do lo ngại an ninh lương thực quốc gia. Thực tế trong năm 2008, các nước đang phát triển như Indonesia đã chứng kiến không ít các cuộc biểu tình do giá lương thực tăng cao.

Khalid Zainy, một doanh nhân tham gia vào nỗ lực giúp đỡ chính phủ Arập Xêút tìm kiếm đầu tư nông nghiệp, cho biết: Các nước thuê đất sẽ dành một phần thu hoạch cho thị trường địa phương. Điều này giúp các dự án không bị gián đoạn và chính phủ sở tại không khó xử trước khúc mắc của người dân.

Theo nghiên cứu mới đây của ngân hàng SABB, giá lương thực thế giới liên tục tăng cao đã đẩy giá trị nhập khẩu lương thực của Arập Xêút tăng trung bình 19%/năm trong 4 năm trở lại đây, đạt 12 tỷ USD trong năm 2007, đưa nước này trở thành quốc gia nhập khẩu nông sản số 1 ở Trung Đông.

Tháng 6/2008, một đoàn đại biểu Indonesia đã đến Arập Xêút gặp các nhà đầu tư, trong đó có Khalid Zainy. Ông Zainy khẳng định đã có các cuộc thương lượng nhưng nói rõ còn rất lâu mới đạt đến các thoả thuận cuối cùng.

Các nhà sinh thái học cảnh báo, dự án này sẽ có tác động tiêu cực lên môi trường. Tuy nhiên hơn cả vẫn là vấn đề thuyết phục người dân Papua về lợi ích mà dự án đem lại không phải là dễ dàng do phần lớn họ sống nhờ vào săn bắn và luôn yêu cầu được công nhận quyền sở hữu của bộ tộc trên các mảnh đất.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp Indonesia, dự án trên cho phép nước này tăng sản lượng gạo thêm 6 triệu tấn/năm (năm 2008 dự kiến là 33 triệu tấn). Còn theo cựu Bộ trưởng Kinh tế Indonesia, ông Rizal Ramli, về lý thuyết mô hình kinh tế trên rất thực tế nhưng vấn đề là phải tìm giải pháp để người dân Papua có thể hưởng lợi từ đầu tư trên.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, các dự án đầu tư nông nghiệp kiểu này sẽ nhanh chóng phát triển trong những năm sắp tới. Hiện các nhà đầu tư Trung Quốc - nước nhập khẩu lớn đậu tương, dầu cọ thô - đã thuê đất nông nghiệp ở châu Phi và Đông Nam Á còn Hàn Quốc dự kiến đầu tư một dự án có diện tích 270.000 ha ở phía đông Mông Cổ.

Ngọc Nhàn
Theo The Wall Street Journal