1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xe máy nội sống dở chết dở!

Trong khi các doanh nghiệp xe máy có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Honda, Yamaha Việt Nam... đang ngày càng phát triển thì ngược lại lượng xe bán ra của các DN xe máy trong nước ngày càng đi xuống, giá giảm mạnh, nhiều loại xe chỉ còn 4,2 triệu đồng/chiếc.

Một nghịch lý đang tồn tại là trong khi giá nguyên liệu như nhựa, cao su, nhôm… đều đang tăng thì bán giá xe máy của các DN trong nước lại giảm.

Giám đốc một DN xe máy trong nước cho biết. Đây là thời điểm khốn khó nhất mà DN của ông đang gặp phải. Đã chịu lỗ đến 200.000đ/xe, giảm giá bán xuống chỉ còn 4,2 triệu/xe, nhưng lượng xe tiêu thụ vẫn giảm đến 50%.

Nguyên do là vào đầu năm nay, sản phẩm xe máy của các DN trong nước tiêu thụ khá tốt, có những thời điểm cung không kịp cầu. Thấy “ngon ăn” lập tức hàng chục DN cũ, vốn đã “nằm im” nay lại “nhộn nhịp” hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, nhiều DN thương mại cũng tham gia bằng cách đi mua gom linh kiện về lắp ráp.

Đang từ khoảng 20 DN, chỉ trong thời gian ngắn, đã có thêm hàng chục DN nữa “len” chân vào sản xuất, lắp ráp, kinh doanh thương mại xe máy. Người làm thật kẻ làm giả lẫn lộn dẫn tới thị trường cung vượt cầu, giá cứ thi nhau giảm và chất lượng cũng rất khó kiểm soát.

Nhiều DN xe máy đầu tư thật sự đang phải lắc đầu ngao ngán, bởi nguyên liệu, linh kiện chót mua về rồi, dây chuyển sản xuất vẫn phải khấu hao, công nhân vẫn phải trả lương mà càng làm thì chỉ thấy càng lỗ.

Ngược lại chỉ có những DN chụp giật là đang hưởng lợi. Song hậu quả là người tiêu dùng gánh chịu bởi chất lượng sản phẩm không đảm bảo, nhất là việc bảo hành, bảo dưỡng không nghiêm chỉnh, thậm chí có những sản phẩm còn không có các dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng.

Trước tình trạng này những doanh nghiệp sản xuất thật sự đang phải nghĩ đến hướng xuất khẩu để tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhưng điều này cũng hết sức khó khăn.

Theo số liệu của Bộ Công nghiệp năm 2005 đã có tới gần 100.000 xe máy và linh kiện được xuất khẩu. Tuy nhiên, trong số đó sản phẩm của Honda Việt Nam chiếm tới 73.000 xe và 17.000 bộ linh kiện. Số còn lại chia cho một vài DN trong nước.

Ông Đỗ Quảng Hiển - Tổng Giám đốc công ty T&T cho biết, Nam Phi là thị trường rất tiềm năng cho xuất khẩu xe máy của Việt Nam. Tuy nhiên dù xuất khẩu được nhưng DN này không dám mạo hiểm làm, bởi nếu cho nợ thì sợ không thu hồi được vốn, mà bán thanh toán ngay thì đối tác lại không có khả năng.

Theo nhiều DN, xuất khẩu chủ yếu để thu hồi vốn và có chút tiếng tăm chứ thường là lỗ. Đây cũng là lý do mà ít có DN mặn mà với chuyện xuất khẩu.

Theo Hiệp hội xe đạp xe máy, các DN xuất khẩu xe máy thường lỗ là vì mẫu mã sản phẩm không đáp ứng được thị trường; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là hàng tồn ế trong nước, xuất khẩu với mục đích thu hồi vốn, ít có DN nào thực sự có chiến lược đầu tư sản phẩm cho xuất khẩu. Vì vậy xuất khẩu không hiệu quả là điều dễ hiểu.

Có thể nói với trên 80 triệu dân, cơ hội cho các DN xe máy Việt Nam là rất lớn. Nhưng các DN trong nước đang gặp khó khăn do cách làm ăn chụp giật gây ra.

Theo Trần Thuỷ
VietNamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm