1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Xây đường ống vận chuyển bô-xít từ Lào về Việt Nam

(Dân trí) - Ngày 26/9, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh thống nhất cho phép lập dự án nghiên cứu đầu tư một đường ống vận chuyển bô-xít từ Lào sang Quảng Nam để xuất khẩu qua cảng Kỳ Hà.

Theo thông tin, tại cuộc họp ngày 25/9 với các đơn vị liên quan gồm Tổng Công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và đối tác là Công ty khoáng sản Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (LSM), đã có báo cáo với lãnh đạo tỉnh về việc đầu tư xây dựng một đường ống vận chuyển bô-xít từ Lào qua Quảng Nam xuất khẩu tại cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành, Quảng Nam).

Khu vực cảng Kỳ Hà sẽ được đầu tư đón tàu trên 30 vạn tấn để xuất khẩu bô-xít
Khu vực cảng Kỳ Hà sẽ được đầu tư đón tàu trên 30 vạn tấn để xuất khẩu bô-xít

Theo báo cáo của Vinaconex, vị trí mỏ bô-xít nằm ở khu vực cao nguyên tỉnh Sê kông và Attapư có độ cao khoảng 1.150m có trữ lượng khoảng 300 triệu tấn quặng bô-xít hướng mở rộng về phía Tây của Việt Nam. Đây là nguồn quặng giàu hàm lượng nhôm (khoảng 47%).

Dự án đường ống truyền tải quặng bô-xít được thiết kế theo tiêu chuẩn cao nhất của ngành công nghiệp sản xuất ống dẫn, sử dụng công nghệ thiết bị tiên tiến nhất hiện nay, mức độ tự động hóa cao, hệ thống điều khiển hoàn toàn bằng máy vi tính để quản lý, vận hành và giám sát toàn bộ hệ thống đường ống. Tổng chiều dài tuyến ống từ 185-240 km với công suất vận chuyển từ 7-10 triệu tấn/năm.

Theo báo cáo, tổng vốn đầu tư cho toàn dự án khoảng 250 triệu USD. Ngoài ra, chi phí vận hành tuyến ống mỗi năm khoảng 5 triệu USD. Theo thông tin tại cuộc họp, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 11/2013

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng lưu ý các đơn vị phải đảm bảo tuyệt đối, nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ, tài nguyên, hạ tầng…và chấp hành nghiêm các quy định về an ninh quốc gia và pháp luật hiện hành của Nhà nước.

Ngoài ra, Vinaconex và LSM cần phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Nam để tiến hành khảo sát, lựa chọn phương án tuyến truyền tải, vị trí xây dựng nhà máy ở trạm cuối, đầu tư cảng biển nước sâu trên 30 vạn tấn phục vụ dự án…

Công Bính