Xây dựng tuyến đường đô thị trên cao đầu tiên của Hà Nội

Liên danh nhà thầu Tổng Công ty xây dựng Thăng Long, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 và Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8 đã động thổ thi công gói thầu đầu tiên thuộc Dự án đường vành đai 3 (giai đoạn 2).

Đây sẽ là tuyến đường đô thị trên cao hiện đại đầu tiên của Hà Nội, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô.

Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, mặt đường vành đai 3 (giai đoạn 2) trung bình sẽ cao hơn mặt đường giai đoạn 1 khoảng 8m. Do đó, đây không chỉ là tuyến đường cao tốc đô thị hiện đại mà còn là tuyến đường hai tầng đầu tiên ở Thủ đô Hà Nội và cả Việt Nam.

Với cấp đường cao tốc lên đến 100km/h, chủ yếu là cầu cạn và kết nối với rất nhiều tuyến đường và công trình quan trọng như Quốc lộ 1A, cầu Thanh Trì, cầu Thăng Long, đường Láng-Hòa Lạc..., đường vành đai 3 (giai đoạn 2) sẽ mở ra một hướng phát triển mới cho giao thông đô thị của Thủ đô Hà Nội, góp phần đáng kể trong việc lưu thông và chia sẻ lưu lượng với các tuyến đường khác, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
 
Xây dựng tuyến đường đô thị trên cao đầu tiên của Hà Nội - 1
Khi hoàn thành, tuyến đường trên cao này sẽ giảm thiểu ách tắc giao thông cho Thủ đô. (Ảnh: minh họa)

Dự án đường vành đai 3 (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư lên đến hơn 5.547 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng hơn 3.752 tỷ đồng, dự phòng 1.222 tỷ đồng, các chi phí khác hơn 562 tỷ đồng...

Dự án sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức từ Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng trong nước; trong đó vốn ODA là hơn 4.578 tỷ đồng và vốn đối ứng hơn 969 tỷ đồng.

Điểm đầu dự án từ km 19+620 tại vị trí sau cầu vượt Mai Dịch hiện tại; điểm cuối là km28+532 (phía Bắc hồ Linh Đàm). Chiều dài toàn tuyến khoảng hơn 8,9km.

Đường vành đai 3 (giai đoạn 2) với 4 làn cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp, được xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cao tốc trên cao, nằm trong dải phân cách giữa của đường vành đai 3 (giai đoạn 1).

Ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết, so với giai đoạn 1, việc thực hiện giai đoạn 2 sẽ thuận lợi hơn rất nhiều do gần như không phải giải phóng mặt bằng. Dải phân cách đường vành đai 3 giai đoạn 1 được thiết kế rộng tới 28m. Đây chính là phần sẽ được sử dụng để làm cầu cạn, xây dựng đường vành đai 3 (giai đoạn 2)./.

Theo Hải Quang
TTXVN/Vietnam+