Xăng chưa giảm giá, doanh nghiệp muốn tăng hoa hồng?

Sau khẳng định của Bộ Tài chính, "Nếu không sử dụng công cụ bình ổn giá thì giá bán lẻ xăng dầu sẽ tăng chứ không giảm!", đồng loạt các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đều lên tiếng kêu ca về việc những khoản gây thua lỗ, chưa thể giảm giá.

Vẫn phải bù lỗ

 

"Nếu tính theo đúng công thức của Nghị định 84, cả 4 mặt hàng xăng dầu lỗ trên dưới 700 đồng/lít. Nếu trừ đi phần bù lỗ từ Quỹ bình ổn là 500 đồng/lít và không tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, giá bán còn dương trên dưới 100 đồng", đại diện Công ty xăng dầu Đồng Tháp (Petimex) cho biết.

 

Tuy nhiên, như Bộ Tài chính đã thông báo, tính bình quân 30 ngày qua đến ngày 8/10, các mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ của xăng là 733 đồng/lít, dầu diezen 710 đồng/lít, dầu hỏa 817 đồng/lít và dầu madut 564 đồng/kg.

 

Sau khi được bù lỗ từ Quỹ bình ổn 500 đồng/lít và phần chênh lệch giữa giá bán lẻ thấp hơn so với giá cơ sở  còn lại (xăng RON 92 là 733 đồng/lít, dầu diezen 0,05S là 210 đồng/lít, dầu hỏa là 317 đồng/lít, dầu madut 3,5S là 64 đồng/kg), các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải trừ vào lợi nhuận định mức.

 

Như vậy, có thể hiểu rằng, DN vẫn vẫn có chút lãi. Ví dụ, mặt hàng xăng A92 chuyển sang lãi 67 đồng/lít. Dầu diezen lãi 90 đồng/lít, dầu madut lãi 236 đồng/lít. Riêng dầu hỏa, vẫn tiếp tục lỗ 17 đồng/lít. Nhưng đó là mức lãi thấp mà nói như đại diện của xăng dầu Đồng Tháp là "lãi về mặt lý thuyết".

 

Xăng dầu tính kiểu gì cũng lỗ
Xăng dầu tính kiểu gì cũng lỗ

 

Ngoài ra, theo doanh nghiệp này, hiện các DN còn có một khó khăn nữa là chi phí bảo hiểm và cước vận tải chở hàng từ nước ngoài về cảng Việt Nam tăng cao. Quy định hiện nay tính 2,5 USD/thùng cho xăng A92 và dầu diezen, 3 USD/thùng cho dầu hỏa và madut. Nhưng trong giao dịch hiện nay, các doanh nghiệp phải trả cao hơn nhiều so với mức phí đó. Tùy từng đơn hàng và khối lượng như tàu chở 7000 tấn hay 10.000 tấn hay 20.000 tấn xăng dầu mà mức phí trên sẽ cao thấp khác nhau.

 

Đại diện SaigonPetro cũng than thở: "Gần đây nhất, phí bảo hiểm, vận tải này đối với xăng đã tăng lên tới 3,5 USD/thùng, cao hơn tới 1 USD/thùng so với cách tính của Bộ Tài chính".

 

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Petrolimex cũng cho hay, xăng dầu đang nhập từ rất nhiều nguồn như từ Trung Quốc, Singapore, Trung Đông, Hàn Quốc... nên mức phí vận tải, bảo hiểm sẽ có sự khác nhau.

 

Tăng thêm hoa hồng cho đại lý?

 

Đại diện công ty xăng dầu Đồng Tháp cho biết, công thức tính giá cơ sở hiện hành của Bộ Tài chính vẫn đang áp mức 600 đồng/lít, vốn tính theo mặt bằng giá của năm 2009. Đến nay, để đủ trang trải cho cước vận tải trong nước, cho việc chiết khấu hoa hồng, duy trì hệ thống phân phối thì phải khoảng 900 đồng/lít.

 

Từ tháng 4/2011, hai Bộ Tài chính- Công Thương đã tính toán sẽ tăng phí này lên 860 đồng/lít. Gần đây, hai bộ cũng đã trình Thủ tướng phải tăng như vậy. Riêng vùng sâu, vùng xa, chi phí kinh doanh xăng dầu được cộng thêm tối đa 2%. Nhưng đến giờ này, việc điều chỉnh như đề xuất vẫn chưa thành hiện thực.

 

"Công thức tính giá cơ sở hiện nay khiến cho người dân tưởng DN có lãi! Nhưng sự thực, chúng tôi đã thiệt mất 260 đồng/lít phí kinh doanh thực tế rồi", ông Năm nhấn mạnh.

 

Theo phân tích của các DN này, nếu giá thế giới có xu hướng giảm mạnh, DN có lãi thật thì chắc chắn, động thái đầu tiên sẽ phải là ngừng xả Quỹ bình ổn. Sau đó, nếu DN vẫn có lãi lớn, Bộ Tài chính không nâng thuế thì các DN này mới "dám" đăng ký giảm giá xăng dầu.

 

Theo Nghị định 84, công thức tính giá cơ sở xăng dầu sẽ bao gồm: giá CIF + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt + chi phí định mức kinh doanh + lợi nhuận định mức + mức trích Quỹ bình ổn+ phí bảo vệ môi trường + thuế giá trị gia tăng (VAT). Trong đó, giá CIF được tính bằng giá bình quân 30 ngày tại thị trường Singapore + chi phí bảo hiểm và cước vận tải từ cảng nước ngoài về Việt Nam và quy theo tỷ giá VND/USD.

 

Hiện nay, thuế suất thuế nhập khẩu hiện hành ở mức 12% với xăng; 10% với dầu hỏa, madut; 8% với dầu điêzen, thuế VAT 10%. Riêng xăng chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

 

Thuế bảo vệ môi trường là 1.000 đồng/lít đối với xăng, 500 đồng/lít đối với dầu diezen, 300 đồng/lít,kg đối với dầu hỏa và dầu madut.

 

Trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là 300 đồng/lít,kg cho cả 4 mặt hàng. Chi phí lưu thông tính bán lẻ đối với mặt hàng xăng, diezen, dầu hoả là 600 đồng/lít; chi phí lưu thông bán buôn đối với madút 400 đồng/kg. Lợi nhuận định mức: 300 đồng/lít,kg.

 

Theo Phạm Huyền

VEF