Xài sang đồ ngoại gần 10 tỷ USD
Theo tính toán của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu cả năm 2010 ước đạt 82,8 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2009. Trong tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu trên, năm qua Việt Nam nhập khoảng gần 10 tỷ USD các mặt hàng thuộc diện không khuyến khích.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong 11 tháng năm 2010, nhóm hàng thuộc diện cần nhập khẩu phục vụ sản xuất, đời sống trong nước ước đạt 61,2 tỷ USD, tăng 18,5% và chiếm 81,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Nhóm hàng hóa nhập khẩu thuộc diện cần kiểm soát ước đạt gần 4 tỷ USD, tăng 20,9% và chiếm 5,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Dù có mức giảm 17% về kim ngạch và giảm 26,1% về lượng so với cùng kỳ năm 2009 của nhóm ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhưng giá trị nhập khẩu của nhóm hàng thuộc diện cần hạn chế tính đến tháng 11-2010 đã lên tới 5,4 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước.
Được xếp vào diện cần phải kiểm soát nhập khẩu nhưng rau quả nhập khẩu trong năm 2010 có mức tăng khá mạnh cả về lượng và giá khiến mức nhập siêu của mặt hàng này tăng khá cao.
Lượng rau quả nhập khẩu tính hết 11 tháng của năm 2010 trị giá 264 triệu USD trong khi con số này của năm ngoái chỉ ở mức 254 triệu. Tương tự, giá trị nhập khẩu của các mặt hàng bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc cũng tăng 48 triệu USD so với năm trước với tổng trị giá nhập khẩu 149 triệu USD.
Một số mặt hàng thuộc diện cần kiểm soát nhập khẩu khác như đá quý, kim loại quý, linh kiện phụ tùng ô tô dưới 9 chỗ và linh kiện phụ tùng xe máy có mức tăng về giá trị từ 8% - 27%. Thống kê cho thấy 11 tháng của năm 2010 tổng giá trị nhập khẩu đá quý và kim loại quý tăng 97 triệu USD so với năm 2009, đạt mức 570 triệu USD.
Giá trị nhập khẩu của mặt hàng phụ tùng ô tô dưới 9 chỗ cũng tăng 57 triệu USD trong khi nhập khẩu linh kiện xe máy tăng tới 149 triệu USD so với cùng kỳ năm trước với tổng trị giá 689 triệu USD.
Trong tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ, những chiếc xe hạng sang như Audi, Lamborghini, Mercedes... được nhập nguyên chiếc, góp phần làm thâm hụt cán cân thương mại.
Theo ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ, Bộ KH&ĐT, do năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, các mặt hàng nhập khẩu đa phần là các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng với chất lượng chưa cao hoặc giá thành cao hơn hàng nhập khẩu, dẫn tới việc các doanh nghiệp thường lựa chọn phương án nhập khẩu.
Để định hướng tiêu dùng, hạn chế nhập siêu, các bộ ngành đang tính toán, ban hành danh mục và quy chuẩn kỹ thuật các sản phẩm hàng hóa; công bố các biện pháp kỹ thuật và quy trình kiểm tra, giám sát các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm cần hạn chế nêu trên để làm căn cứ pháp lý kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo quy định hiện hành.
Theo Phạm Tuyên
Báo Tiền phong