WB: Lạm phát 2012 của Việt Nam khó giảm mạnh

(Dân trí) - Báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam, vẫn ở mức cao nhưng sẽ chậm lại do nhu cầu bên ngoài suy giảm.

Tăng trưởng của khu vực sẽ bị hạn chế

 

Theo WB, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại và những bất ổn tài chính ở Mỹ cũng như tình hình nợ công tại châu Âu, tăng trưởng của các nước trong khu vực Đông Á vẫn đạt mức cao là nhờ nhu cầu nội địa của các nền kinh tế khu vực Đông Á. Dự báo, trong năm 2011, GDP thực tế ở các nước đang phát triển trong khu vực Đông Á sẽ 8,2% và năm 2012 khoảng 7,8%.
 
WB: Lạm phát 2012 của Việt Nam khó giảm mạnh - 1
Lạm phát của Việt Nam năm 2012 sẽ ở mức 1 con số?

 

Với dự đoán tốc độ tăng trưởng này, WB cho rằng, tỷ lệ người dân sống dưới mức 2 USD/ngày tại khu vực này sẽ giảm xuống còn khoảng 24% vào năm 2011 và ước tính khoảng 38 triệu dân sẽ thoát khỏi cảnh nghèo đói.

 

Tuy vậy, WB tỏ ra bi quan hơn về triển vọng tăng trưởng của khu vực Đông Á trong tương lai và cho rằng tăng trưởng của khu vực sẽ bị hạn chế bởi những bất ổn toàn cầu và các tác động của thiên tai.

 

Theo WB, tăng trưởng khu vực này sẽ chậm lại do nhu cầu bên ngoài suy giảm, trong khi đó, nhu cầu nội địa vốn là nhân tố đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng lại đang dần suy yếu do việc chuẩn hóa các chính sách tài khóa và tiền tệ.

 

"Các nỗ lực giảm nghèo có thể bị ảnh hưởng bởi các biến cố như giá lương thực thực phẩm tăng đột ngột trong khi thu nhập tăng trưởng chậm", báo cáo cho biết.

 

“Tốc độ tăng trưởng thấp hơn tại châu Âu trong quá trình thắt chặt tài khóa và nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng sẽ gây ảnh hưởng tới khu vực Đông Á. Bên cạnh đó, cho vay từ các ngân hàng Châu Âu giảm cũng có thể sẽ gây ảnh hưởng đến dòng vốn vào của khu vực Đông Á”  - ông Bert Hofman, Kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại khu vực Đông Á Thái Bình Dương cho biết:

 

Song ông Hofman cũng cho rằng, nhờ dự trữ cao và thặng dư cán cân tài khoản vãng lai, hầu hết các quốc gia trong khu vực sẽ không bị ảnh hưởng bởi những tác động của căng thẳng tài chính lặp lại có thể xảy ra.

 

Cũng theo báo cáo, suy giảm tốc độ tăng trưởng thể hiện đặc biệt rõ rệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Sản lượng các mặt hàng xuất khẩu từ các chuỗi cung ứng công nghiệp chính trong khu vực, đặc biệt là các mặt hàng điện tử, đã bắt đầu giảm.

 

Theo WB, việc giải quyết không kịp thời các vấn đề nợ công trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu càng làm gia tăng hơn quan ngại của các nhà đầu tư về tăng trưởng và ổn định toàn cầu. Khi nguồn vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi vào các thị trường tương đối an toàn hơn, các khoản đầu tư sẽ đảo ngược và thị trường cổ phiếu sẽ mất giá tại khu vực Đông Á.

 

Lạm phát của Việt Nam sẽ không giảm mạnh

 

Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2011 chậm lại do Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên kiểm chế lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu.

 

Trong đó, đáng chú ý, lạm phát hàng tháng đã giảm xuống khoảng 1% kể từ tháng 6/2011 khi các biện pháp bình ổn bắt đầu có hiệu lực.

 

Tuy nhiên, WB cho rằng, trong tương lai gần, lạm phát sẽ không giảm mạnh do các yếu tố như giá hàng hóa cao, lương tối thiểu được điều chỉnh, giá điện có thể tăng và kỳ vọng của thị trường chính sách tín dụng sẽ được nới lỏng hơn trong quý cuối năm 2011.

 

Trước đó, trong một cuộc họp với một số các đối tác phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định rằng kiểm soát lạm phát sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ, và Việt Nam sẽ không theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao. Theo đó, mục tiêu lạm phát là một con số và tốc độ tăng trưởng trung bình trong năm 2012 là 6,5%.

 

WB cũng khuyến cáo rằng, việc nới lỏng chính sách quá sớm sẽ có nguy cơ lặp lại những bất ổn đã xảy ra gần đây.

 

Theo WB, việc cam kết thực hiện các biện pháp củng cố tài khóa và những yêu cầu cơ cấu được đề ra trong Nghị quyết 11.. có thể giúp Việt Nam khôi phục lại môi trường kinh tế vĩ mô bền vững... “Nhưng để thực hiện được các yêu cầu cải cách cơ cấu sâu rộng này đòi hỏi năng lực lãnh đạo mạnh mẽ, lộ trình triển khai thận trọng, hỗ trợ từ các đối tác phát triển và các nhà đầu tư nước ngoài cũng như yêu cầu Việt Nam có thể phải hi sinh một số lợi ích về ngắn hạn”, báo cáo nhấn mạnh.

 

WB dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong năm 2011 là khoảng 5,8%, so với mức 6,8% trong năm 2010.

 

Nhật Linh