Vườn lan gần 20.000 cây: Tài sản hàng chục tỷ của tay chơi Sài Thành
Năm 2009, việc kinh doanh vật liệu xây dựng của vợ anh Chiến liên tục thua lỗ và phải đóng cửa. Đúng lúc đó, một người bạn đến nhà anh chơi, thấy mấy cây lan cho hoa đẹp đã khuyên nên khởi nghiệp lại từ loại cây này.
Tại khu đất rộng hàng ngàn m2 của vợ chồng anh Hồ Văn Chiến, 54 tuổi ở cuối con hẻm đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, Quận 9, TP.HCM, ngoài mở quán nhậu, sân bóng đá cho thuê, anh còn thiết kế một vườn lan với hàng ngàn cây, nhiều giống khác nhau.
“Vườn lan 10 năm tuổi này giúp vợ chồng tôi khởi nghiệp lại thành công”, anh Chiến nói.
Anh Chiến kể, trước đây, vợ chồng anh mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng tại nhà. Lúc đó, anh có trồng mấy cây lan để làm cảnh. Cây nào cũng cho hoa đẹp, thân bụ bẫm, lá xanh tốt.
Năm 2009, cửa hàng vật liệu xây dựng liên tục thua lỗ, anh Chiến muốn chuyển sang hướng làm ăn mới. Đúng lúc đó, một người bạn có nhiều kinh nghiệm về trồng lan đến nhà chơi, nhìn ngắm mấy cây lan anh Chiến trồng đã rất thích. Người này khuyên anh nên trồng lan mở rộng để chia sẻ, bán cho anh em trong giới.
Thấy ý tưởng của bạn rất hay, năm 2010, anh cùng vợ đóng cửa hàng vật liệu xây dựng chuyển sang trồng lan bán.
Sẵn khu đất rộng lớn của bố mẹ để lại, anh Chiến bỏ vốn ra làm giàn, mái che, kệ, giá treo, mua dừa khô, than tổ ong, các thân cây phù hợp với lan, phân bón,... thiết kế vườn trồng lan. Anh cũng kết nối với những người có kinh nghiệm về lan để tham khảo cách trồng, chăm sóc lan và chọn giống.
“Lúc mới trồng, tôi chỉ chọn các loại cây nhỏ, dễ trồng, dễ chăm sóc, giá bán thấp như hồ điệp, hạc vỹ, phi điệp, kiều tím, quế lan hương,... May mắn, lứa lan đầu tiên cho năng suất tốt, bán ra nhanh. Điều đó giúp vợ chồng tôi có thêm động lực”, anh Chiến chia sẻ.
Tất nhiên, khi mới bắt tay vào làm nông, vợ chồng anh Chiến cũng gặp không ít thất bại. Đó là những lần thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh hoành hành khiến lan bị héo, hoa ra không như ý.
Nhờ những thất bại đó, anh Chiến đúc kết được cách trồng lan như thế nào cho hiệu quả. Theo anh Chiến, muốn trồng loại hoa này thành công phải nắm được đặc tính của từng loại cây. Từ đó, đảm bảo môi trường, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, độ cao, nước, đất,... cho phù hợp với từng loại. Ngoài ra, việc cung cấp đủ nước, phân bón cho lan cũng phải có kỹ thuật.
Năm 2012, khảo sát thị trường, anh Chiến thấy nhiều khách hàng có nhu cầu mua những chậu lan lớn, giá vài triệu/chậu nên bắt tay vào trồng. Để có nhiều giống lan mới, quý, cho hoa đẹp, nhiều màu sắc đáp ứng nhu cầu người mua, anh vào rừng, đến các tỉnh khác săn lùng giống.
“Gặp giống lan mới, tôi mua số lượng lớn rồi về chiết kie (những mầm con được phát triển từ những mắt ngủ trên thân mẹ) ra trồng, bán cho những người cần. Không đầy hai năm sau, vườn lan của tôi lên đến gần 20.000 cây, với đủ loại giống có trên thị trường”, anh Chiến hào hứng.
Để đỡ bỏ tiền thuê nhân công, anh rủ thêm vợ chồng em gái cùng chăm sóc vườn lan. Anh cũng lắp thêm hệ thống tưới tự động, mái che để đỡ tốn thời gian tưới nước, cây không bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa nắng thất thường của Sài Gòn.
Để nhiều người biết tìm đến mua lan, anh Chiến đăng thông tin những cây hoa, giá bán đăng trên mạng xã hội, đưa cây đi bán ở các hội chợ, giới thiệu cho nhiều anh em trong giới mê lan. Cứ như thế, lấy ngắn nuôi dài, hạn chế tối đa phí thuê nhân công, tính toán những rủi ro do sâu bệnh, thời tiết. Nhờ đó mỗi năm, vợ chồng anh Chiến có thu nhập từ 300-500 triệu đồng từ vườn lan.
Cuối năm 2018, thị trường lan đột biến nở rộ. Trong hội trồng lan, anh Chiến là người tạo được nhiều cây đẹp, giá chuyển nhượng cao. “Giống lan này khó trồng, khó chăm sóc, nhưng giá bán cao nên mình nhanh có lời”, anh Chiến nói.
Để vườn lan cho vợ và vợ chồng em gái chăm sóc, anh Chiến tập trung vào dòng lan đột biến. Mỗi kie chỉ ngắn chừng vài centimet nhưng có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, thế nên nếu chăm sóc không tốt coi như mất trắng. Người đàn ông quê gốc Sài Gòn nói: "Chơi lan, ngoài đam mê còn cần phải cần mẫn, tỉ mỉ mới có những giỏ lan có dáng, lá, bộ rễ đẹp, hoa nở đúng chuẩn”.
Hiện, ngoài gần 20.000 cây lan thường, anh Chiến còn có hơn 200 chậu lan đột biến như: phi điệp lá phát tài, phi điệp đột biến, giả hạc 5 cánh trắng, dòng dendro đột biến... Giá bán mỗi chậu lan từ 200-400 triệu đồng.
Ngoài thu nhập từ vườn lan, hai năm qua, vợ chồng anh còn mở thêm quán nhậu, sân bóng đá tại nhà làm nơi để anh em trong giới trồng lan giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, trao đổi giống mới và thực hiện những thương vụ chuyển nhượng lan đột biến.
Vườn lan 'khủng' trên 6.000 giò của cô gái Thái ở Sơn La, ai nhìn cũng choáng
Để có nguồn thu nhập ổn định 500 triệu đồng/năm, gia đình chị Ngọc đã phải thức hàng đêm dài để bắt côn trùng cho hơn 6.000 giò lan rừng các loại.