1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vườn đào Mộc Châu "mùa" tỷ phú

Chỉ trong khoảng 7 năm chuyển hướng làm ăn, đời sống nông dân nuôi bò sữa ở Mộc Châu không ngừng đổi thay. Sau giọt mồ hôi đổ xuống, những thanh âm của thịnh vượng đã khoáng đạt cất lên trên thảo nguyên, trang sử của vùng đất ghi danh thêm những tỉ phú mới.

Vườn đào Mộc Châu "mùa" tỷ phú - 1
Sản xuất, đóng gói sữa Mộc Châu tại nhà máy. Ảnh: QT.

“Vương miện” cho tỷ phú Vườn Đào

Ráo mồ hôi, hết một ngày làm việc của nông dân, ở tiểu khu Vườn Đào, thị trấn nông trường Mộc Châu lại văng vẳng tiếng hát karaoke. Ai đó đang “nhả” lời vào micro như vẽ thêm một thảo nguyên Mộc Châu bồng bềnh trên mảnh đất cùng tên: “Cỏ cây hoa lá, hương thơm tỏa ngát đồng…/Thảo nguyên bát ngát, đem giấu em tôi nơi nào;...”

Theo lời hát ấy, rồi cũng đến được nhà của tỷ phú bò sữa Phạm Văn Tế. Có vẻ hơi trái với slogan “Mộc Châu-thảo nguyên xanh, sữa mát lành”, nhà ông Tế mắc

Tôi ở đây nhiều năm biết rõ trên đất Mộc Châu hai ba thế hệ vẫn gắn bó với một công việc. Chưa bao giờ tôi muốn xa Mộc Châu… - Ông Trần Công Chiến bộc bạch

điều hòa hai chiều, chủ yếu để chống cái lạnh, sương mờ vào cuối đông. Ông Tế lý giải: Ở đây bây giờ nhiều gia đình sắm dàn karaoke vui Tết. Sau những giờ chăm bẵm bò sữa mệt nhọc, họ giải trí bằng karaoke.

Khác với thực tế phát triển ảm đạm ở nhiều nơi. Năm nay, gia đình ông Tế vẫn ăn Tết “đếm”. Nhẩm nhẩm, ông Tế tính: Doanh thu 2011 của gia đình đạt ngót 2 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận mang về 900 triệu đồng. Nhiều con bò của ông cho năng suất sữa đạt 40 đến 50 kg sữa/ngày.

Ông Tế là cán bộ công đoàn giỏi cấp bộ, sở hữu cánh đồng có tổng doanh thu 400 triệu đồng/ha/năm. Trong mắt lãnh đạo Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, tỷ phú Phạm Văn Tế là người của mồ hôi nhọc nhằn.

Ông cũng là một trong những nông dân Mộc Châu ở đầu cầu bên này của internet kết nối với kiến thức khoa học mới, mở với thế giới. Đưa tập tài liệu dày 300 trang vừa download từ mạng, ông Tế khoe: Đây là cẩm nang về dinh dưỡng và thức ăn cho bò của 6 Giáo sư, Phó giáo sư đầu ngành về chăn nuôi: Vũ Duy Giảng; Nguyễn Xuân Bả; Lê Đức Ngoan...

Ông Tế hấp thụ kiến thức mới từ các giáo sư bất cứ giờ rảnh nào, lúc bò nhai cỏ thì ông đọc sách, biến kiến thức thành sữa, năng suất, an toàn vệ sinh…
 
Vườn đào Mộc Châu "mùa" tỷ phú - 2
Tỷ phú Phạm Văn Tế

Mấy chục năm rời xa Thái Bình lên đây định cư, xuân này, những thành viên của gia đình ông Tế đều có cảm xúc lạ. Ông thừa nhận nông dân ở đây và chính ông có việc làm ổn định trong thời buổi khó khăn, được tham gia lớp khuyến nông miễn phí, do đó, Tết này ai cũng vui. “Sướng nhất là về quê Thái Bình thấy các cháu nhỏ thích uống sữa Mộc Châu. Công sức lao động ở Vườn Đào này của tôi được truyền đến tay nhiều con trẻ…”- ông Tế tự hào.

Năm nay, ông Tế đón Tết ấm cúng hơn. Với 140 tấn sữa tươi thu về trong năm, ông Tế được thưởng đến 140 triệu đồng, nhận hơn 80 triệu đồng cổ tức. Ngôi vị đứng đầu khu Vườn Đào về thưởng chứng tỏ công sức, trí tuệ của ông đổ ra lớn cỡ nào cho con bò sữa.

Với ông, mỗi thời khắc chuyển giao năm mới cũng là lúc ông tổng kết, đong lắc công sức đầu tư cho sự nghiệp sản xuất sữa Mộc Châu.

Gia đình ông đổ ra bao nhiêu thì Ban giám đốc Công ty, đứng đầu là ông Trần Công Chiến (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu) bỏ “lá phiếu” tín nhiệm ông bằng những đồng cổ tức, thưởng nhiều bấy nhiêu…

Các cấp quản lý mỗi năm thấy ông Tế tổng kết bằng tấn sữa, tạ tiền…, lại trao bằng khen. Bức tường nhà ông chẳng còn chỗ trống để treo các loại giấy khen thưởng. Đội được những “vương miện” ấy, ông là người hiểu nhiều quy luật trên thảo nguyên.

Trong mắt người cán bộ công đoàn như ông Tế, tất cả công nhân, nông dân ở Mộc Châu này đều là người của Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu. “Nếu lãnh đạo Nhà máy sữa Mộc Châu tách sản xuất khỏi chế biến, thì nhà máy mua sữa của nông dân giá 11 nghìn đồng/kg xong, mọi sự chấm dứt.

Nhưng ở đây, ai bán sữa cho nhà máy đều được nhận một khoản thưởng giá sữa, bản chất là cổ tức. Vậy là, nhìn từ triết lý phân phối, mọi người đều thuộc Cty, đều của ông Chiến…”-ông Tế nói.

Không “kết nghĩa” anh em ở Vườn Đào, song ông Lê Văn Hùng với ông Tế như những người bạn cùng phác họa nông nghiệp hiện đại, giàu có ở Mộc Châu bằng chính cuộc đời mình. Từng trải, sương nắng ươm trồng đời người, đời bò, ông Hùng xù xì như gốc đào cổ đất Mộc Châu.

Phía trong sự cổ cũ đó là kinh nghiệm về thú y tràn trề, bàn tay linh nghiệm của ông năm tháng chắn che dịch dã, “vô trùng” cho vùng đất sản sinh bao vua bò, chúa sữa. Như nhiều cán bộ thú y khác ở Mộc Châu, “gốc đào” cổ Lê Hùng chỉ đơm hoa, dâng sắc khi bàn giao một năm cho quá khứ với sức của, sức người bình an.

Hôm gặp ông ở đồi 19-5 lặng gió, cứ thấy ông ngẫm suy dưới vành mũ Delaval về cái thời bắt mạch, chẩn bệnh bò sữa qua thiết bị vi tính. Dẫu đã học ở Thái Lan, Indonesia về chăn nuôi bò, song chính ông đôi lúc cũng không tin nổi Mộc Châu lại có tốc độ kết nối khoa học nuôi bò sữa với thế giới nhanh và hiệu quả.

Ông tự hào: Nuôi bò sữa đang trúng mùa. Nhớ cái Tết năm nào dân trồng mận, chè tràn lan vì giá sữa thấp. Hoa mận thời đó nở nhiều, năm mới kém vui… Tết năm nay thì khác hẳn, bút xuân chấm biên tên ông vào danh sách vài tỷ phú ở khu Vườn Đào. Ông nói: Không giấu gì ai, mỗi ngày tôi thu 350 kg sữa chất lượng cao.

Một năm thu hơn 1,2 tỷ đồng, nằm trong top 10 người nuôi bò sáng giá ở Mộc Châu…Với nét phóng khoáng của người gốc Hải Phòng, ông tính toán: Tân niên sẽ “tậu” ô tô phục vụ nhu cầu hữu ích.

Còn năm nay, vẫn phải hòa vào đoàn cán bộ đi xe của tổ chức cùng lãnh đạo Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu tặng quà cho các gia đình dân tộc thiểu số nghèo, giữ nếp văn hóa sẻ chia của tổ chức đứng đầu về nộp thuế và đóng góp cho tỉnh Sơn La.

Xông đất theo văn hóa làng

Đơm hoa trong gia đình ông Hùng ở khu Vườn Đào 1 không chỉ có hoa đào, các loài lan rừng, Tết này, ông còn vui vầy với hoa... hậu, á hậu bò, bê ở Trung tâm chuyển giao giống bò chất lượng cao và gia đình. Đó là thứ hoa đặc biệt giúp nông dân nuôi bò làm giàu nhanh chóng.

Vợ ông, bà Vũ Thị Tường cũng là đóa hoa đầy hương sắc ở khu Vườn Đào. Sau hơn 20 năm là nữ đại biểu trẻ nhất dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, bây giờ bà là “phó chủ hộ” phụ trách hơn 20 “cỗ máy” sản xuất sữa. Nữ Đảng viên tận tụi với nghề, giống như nốt nhạc trầm giữa thảo nguyên. Bà thầm lặng cống hiến, thầm lặng đi đầu dẫn dắt những thế hệ sau biết nghề chăm sóc bò sữa mà làm giàu.

Nhớ hôm ngồi giữa thủ phủ Mộc Châu, nhấp chén rượu tổng kết lớp đào tạo cán bộ thú y, bắt tay Trần Quang Vinh, Trần Mạnh Hùng mới hay nhiều người trẻ, khôi ngô cỡ như Vinh cũng đang chẳng ngại ngần cái nghề có vẻ ít sang trọng: Cán bộ thú y. Họ lao vào học cho thỏa khát vọng để tên tuổi sớm được biên vào danh sách các tỷ phú.
 
Vườn đào Mộc Châu "mùa" tỷ phú - 3
Ông Hùng kiểm tra mắt bò
 
Là doanh nghiệp, nhưng ở Mộc Châu, Tết đồng thời là cớ để công nhân, công nhân nông nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp cố kết lại với nhau khăng khít hơn trên nền văn hóa làng xã. Cứ theo thực tế mà ông Chiến kể lại thì: Đơn thuần xét theo công việc, ở Mộc Châu không có Tết, ngày nào nông dân cũng phải vắt sữa, cho bò ăn, vệ sinh chuồng trại.

Mà Bò đã sinh ra sữa thì mọi công đoạn (thu mua, làm lạnh, kiểm tra, chế biến) đều phải hoạt động. Vậy nên, đêm 30 Tết, cán bộ công nhân của công ty đều sum vầy đón năm mới, rồi tất cả đi đến các tổ, đội sản xuất, nông hộ “gieo” những lời chúc tốt đẹp, cùng nhau uống những chén rượu nồng ấm. “Tôi ở đây nhiều năm biết rõ trên đất Mộc Châu hai ba thế hệ vẫn gắn bó với một công việc. Những nét văn hóa đó hình thành và phát triển mang tính đặc trưng riêng của tổ chức, đó là lý do chưa bao giờ tôi muốn xa Mộc Châu…”-ông Chiến bộc bạch.

Khu Vườn Đào là điểm mà nhiều năm, lãnh đạo Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu chọn hướng xông đất đêm giao thừa. Thông thường, ở nơi mà lãnh đạo Cty chọn để xông đất đầu năm, người nông dân làm ra nhiều sữa, chăm chỉ, có quyết tâm mở rộng quy mô...

Khu 19-5, có “vua” bò sữa Nguyễn Thành Trân, hay địa điểm gia đình ông Nguyễn Văn Quất (người đang nuôi nhiều bò nhất) đứng chân cũng thường được lãnh đạo lựa chọn để “gieo” những lời chúc tốt lành. Tại khu Vườn Đào, đã hơn một lần ông Tế được cạn chén với ban lãnh đạo Cty phút sang năm mới.

Chén rượu dành chúc cho những tỉ phú dưới hoa đào làm thăng hoa, bung nở những định hướng, quyết sách mới trong kinh doanh: Rộng mở thị phần, bắc cầu liên kết, khoanh thêm trại bò, hấp thụ thêm kiến thức mới để bò cho sữa chất lượng ngày một cao hơn…

Những nông dân giỏi mới đi tham quan nuôi bò sữa ở Thái Lan, Indonesia trở về trăn trở. Nước họ ít đất họ giàu có, ở ta đất đai phì nhiêu, thuận lợi chính sách…, cớ gì dân nuôi bò lại không giàu cho được. Mùa tỉ phú xuân Nhâm Thìn lại mở trang mới, chờ đón biên thêm tên tuổi các tỷ phú.

Theo Quyền Thành
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm