Vừa sa thải hàng loạt, ngân hàng đẩy mạnh tuyển dụng

Trong quý 1/2013, ngân hàng liên tiếp sa thải hàng loạt nhân sự nhưng rất nhanh sau đó, họ lại đẩy mạnh tuyển dụng.

Đua nhau tuyển dụng

 

Năm 2012 và đầu năm 2013, thị trường lao động chứng kiến sự ra đi hàng loạt của rất nhiều nhân sự ngành ngân hàng. Tuy nhiên, bên cạnh việc “chia tay” nhân viên, nhiều ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng nội và ngân hàng ngoại vẫn đẩy mạnh tuyển dụng.

 

Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) là một trong các ngân hàng tuyển dụng rầm rộ nhất hiện nay. Vietinbank liên tục tổ chức nhiều đợt tuyển dụng liền kề nhau. Trong thông báo tuyển dụng công bố ngày 21/5, ngân hàng này cho biết cần gần 70 lao động cho các chi nhánh.

 

Tại trụ sở chính, từ đầu năm tới nay, Vietinbank tổ chức 3 đợt tuyển dụng với số lượng lên tới gần 70 người. Điều đó cho thấy, nhu cầu nhân sự tại ngân hàng này vẫn rất cao.

 

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng liên tục cập nhật danh sách tuyển dụng. Tuy nhiên, số lượng nhân sự mà  ngân hàng này cần khiêm tốn hơn nhiều so với Vietinbank. Bên cạnh đó, yêu cầu đầu vào với ứng cử viên của Vietcombank cũng rất cao.

 
Các ngân hàng đang đẩy mạnh tuyển dụng
Các ngân hàng đang đẩy mạnh tuyển dụng

 

Trong tháng 4 năm nay, ngân hàng Hàng Hải (MaritimeBank) gây xôn xao khi thẳng thắn tuyên bố sẽ cắt giảm nhân sự trong năm 2013. Số lượng cắt giảm dự kiến rất lớn, có thể là 679 nhân sự. Trước đó, trong suốt năm 2012, ngân hàng này đã “chia tay” 1.060 nhân viên.

 

Tuy nhiên, khi chưa chính thức công bố con số cắt giảm chính thức, MaritimeBank đã đăng tin tuyển dụng nhân sự ở các lĩnh vực khách hàng cá nhân và thẻ. Dù số lượng tuyển dụng của MaritimeBank không cao nhưng đó vẫn là tín hiệu tốt.

 

Ngân hàng Quân đội (Military Bank) đang tuyển dụng rất mạnh. Chỉ trong tháng 5, ngân hàng này đã đăng tin tuyển dụng hàng chục nhân viên ở rất nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghệ thông tin tại Hội sở được ưu tiên nhất.

 

Dạo qua các website tuyển dụng trong lĩnh vực ngân hàng, có thể dễ dàng nhận thấy tài chính đang là lĩnh vực được các ngân hàng quan tâm nhất. Phần lớn trong các bản tin, ngân hàng thể hiện rõ nhu cầu nhân sự tài chính, đặc biệt tài chính cá nhân.

 

Các ngân hàng như ngân hàng An Bình (ABBANK), ngân hàng Quốc Tế Việt Nam (VIB), ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank),… đều có nhu cầu cao về nhân viên tín dụng và phát hành thẻ.

 

Trong khi các ngân hàng nội đẩy mạnh tuyển dụng, ngân hàng ngoại và tổ chức tín dụng ngoại cũng quyết cạnh tranh để giành “chất xám”. Hàng loạt ngân hàng ngoại từ danh tiếng đến ít tiếng tăm đều “đăng đàn” kéo ứng cử viên về phía mình.

 

Ngân hàng Sumitomo Mitsui và Mizuho, chi nhánh Tp.HCM chỉ tuyển dụng nhân viên văn phòng trong khi ngân hàng Standard Chartered, công ty dịch vụ tài chính Toyota Việt Nam lại muốn đẩy mạnh bán hàng.

 

Bên cạnh bán hàng, tài chính cũng là mảng mà ngân hàng ngoại, tổ chức tài chính ngoại đặc biệt quan tâm.

 

Nhân viên “quèn” ít cơ hội

 

Mặc dù cả ngân hàng nội, ngân hàng ngoại và các các tổ chức tín dụng không ngừng tuyển dụng nhưng đó chưa hẳn đã là tin tốt với người lao động. Có thể thấy, hiện tại, nhu cầu nhân sự cao cấp của các ngân hàng áp đảo nhân sự phổ thông.

 

Hoặc nếu là nhân viên “quèn”, người lao động vẫn có nhiều lựa chọn nhưng địa điểm làm việc lại không được “đẹp” như mong muốn. Ngoại trừ Vietinbank, hầu hết, các ngân hàng đều tuyển nhân viên “quèn” cho chi nhánh, phòng giao dịch ở nhiều tỉnh lẻ.

 

Ví dụ, Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) tuyển hàng loạt nhân viên trong mảng khách hàng và giao dịch viên. Địa điểm làm việc của những đối tượng này là các tỉnh như Hải Dương, Bình Dương, Long An,…

 

Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng chỉ tuyển nhân viên môi giới và đầu tư chứng khoán tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Còn nếu muốn làm việc tại Tp.HCM hay Hà Nội, ứng viên phải ứng tuyển vào vị trí trưởng phó, phòng trở lên.

 

Vietinbank tuyển phó phòng thẩm định, phó phòng kinh doanh tại Hà Nội và Tp.HCM. Oceabank tuyển dụng hàng loạt giám đốc chi nhánh và phòng giao dịch. Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Bưu Điện Liên Việt tuyển phó phòng quản lý tín dụng, phó giám đốc chi nhánh, trưởng phòng kinh doanh,… Các vị trí này phần lớn đều làm việc ở các thành phố lớn, trừ một số vị trí giám đốc chi nhánh.

 

VIB cũng tuyển giám đốc trung tâm kinh doanh, giám đốc phòng phát triển kinh doanh và chiến lược, Ngân hàng Bảo Việt tuyển quản lý thương hiệu và truyền thông, Techcombank tuyển giám đốc quản lý tài sản,…

 

Các ngân hàng ngoại cũng cần nhân sự cao cấp hơn. Shinhan Bank Vietnam tuyển giám đốc quan hệ công chúng,  công ty Tài chính Prudential Việt Nam tuyển trưởng phòng tín dụng, Manulife (Vietnam) tuyển giám đốc marketing sản phẩm cá nhân,…

 

Nhìn chung, mặc dù thị trường lao động ngành tài chính đang gặp nhiều khó khăn nhưng dường như cánh cửa vẫn được mở ra với nhiều lao động, đặc biệt là lao động cao cấp.

 

Theo Thanh Hà

VTCNews