Vụ nghi lừa cọc khẩu trang 8,1 tỷ đồng: Có thuê xã hội đen dằn mặt đối tác?

Thế Hưng

(Dân trí) - Sau khi giám đốc Công ty Hưng Phát cho rằng, đối thủ đã cho xã hội đen vây kín nhà, doạ đánh ông này, thì giám đốc Công ty Trường Tiến đã lên tiếng phủ nhận.

Sau thông tin ông Hưng cho rằng, ông Tiến mang theo nhiều thành phần xã hội đến quấy rối công ty, đến nhà doạ đánh Hưng, phía ông Tiến đã cho biết, đó không phải là sự thật.

Theo đó, ông Tiến chia sẻ, việc ông Hưng tới nhà máy của công ty Hưng Phát chỉ có một nhân viên của công ty đi cùng và một người tên Nam (là đối tác mua khẩu trang). Đi theo ông Nam có 2 bạn nhân viên của công ty.

“Những người xăm trổ xuất hiện trong ảnh do ông Hưng cung cấp chúng tôi không hề quen biết. Chúng tôi không thuê ai tới công ty ông Hưng”, ông Tiến khẳng định và cho biết thêm, phía ông cũng không bao vây, không gây mất trật tự hay đánh đập ai.

Cho rằng mình "không thuê xã hội đen", nhưng từ TP Hồ Chí Minh ra, ông Tiến rất lo sợ khi tới công ty Hưng Phát một mình. Do vậy, ông này cho biết, đã nhờ người bạn tên Nam đi cùng.

Vụ nghi lừa cọc khẩu trang 8,1 tỷ đồng: Có thuê xã hội đen dằn mặt đối tác? - 1

Biên bản làm việc với Ban quản lý toà nhà nơi ông Hưng sống

Thậm chí, trước khi tới nhà máy, ông Tiến đã lên công an phường An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) để trình báo bằng văn bản. Theo ông Tiến, phía công an phường đã xác nhận và cho biết, không gây mất trật tự là được.

Theo giám đốc công ty Trường Tiến, do ông Hưng trốn tránh không gặp để giải quyết, nên ông đã tìm đến nhà ông Hưng tại Hà Đông (Hà Nội) để làm việc trực tiếp.

“Biết ông Hưng đang ở trong nhà, nhưng vẫn cố tình né tránh, không mở cửa để 2 bên làm việc. Tôi đã đề nghị trong văn bản cho phép ở phía ngoài để chờ, phòng khi ông Hưng có ý định chạy trốn, chứ không hề doạ đánh, giết như ông Hưng nói”, ông Tiến cho hay.

Mọi việc ông Tiến cho biết đều báo cáo với công an phường Phúc La (Hà Đông) và báo cáo với ban quản lý chung cư bằng văn bản và đều chấp hành nội quy, an ninh trật tự tại địa bàn.

Thời gian giao hàng là mấu chốt vụ “lật kèo”?  

Đã giao dịch nhỏ vài lần, nên khi ông Thường (người môi giới) cho biết, năng lực các nhà máy của ông này luôn sản xuất được 1 - 3 nghìn thùng/ngày, thì ông Tiến đã vội vàng tin tưởng.

“Nhưng khi ký hợp đồng thì đã xảy ra vấn đề. Vì trong hợp đồng đầu tiên, nhiều điều khoản chưa đúng như tôi đã trao đổi với ông Thường (không có điều khoản sau khi trả đủ cọc thì sau 1 ngày, bên B giao hàng, mỗi ngày bên B giao cho bên A 200 - 300 thùng), nhiều từ ngữ chưa chính xác,... Song, người người này vẫn bảo tôi ký trước rồi chuyển cọc để kịp tiến độ, sau khi về công ty thì ông Thường sẽ sửa lại sau”, ông Tiến cho biết.

Vụ nghi lừa cọc khẩu trang 8,1 tỷ đồng: Có thuê xã hội đen dằn mặt đối tác? - 2

Hợp đồng này dù đã được ký lại, nhưng ông Thường vẫn không đưa cho ông Tiến. Theo thời gian giao hàng của hợp đồng này thì phía ông Tiến có cơ sở huỷ hợp đồng.

Thế nhưng sau đó, dù đã nhiều lần hứa hẹn, chụp ảnh quay video đang cầm hợp đồng để tạo sự tin tưởng, thì đến nay ông Thường không hề đưa lại cho phía ông Tiến.

Chia sẻ tiếp về việc phải huỷ hợp đồng, ông Tiến cho biết, lý do tôi ký hợp đồng với công ty ông Hưng là do, bên này cam kết có thể trả hàng trăm thùng hàng/ngày. Nhưng suốt từ ngày 27/7 đến 3/8, phía ông Tiến không nhận được thùng hàng nào.

Khoảng 9 giờ 53 phút, sáng ngày 3/8, sau nhiều ngày không có hàng thì phía ông Tiến đã gửi thông báo huỷ hợp đồng. Đến 4 giờ chiều hôm đó, ông Hưng lại bất ngờ gửi thông báo nhận hàng tới công ty Trường Tiến. Các thông báo lấy thêm hàng được gửi liên tục trong các ngày sau.

Theo giám đốc Công ty Trường Tiến, đây là cách làm việc đối phó. Vì ngay khi phía ông Tiến chấm dứt hợp đồng do không đúng tiến độ thì bên kia lại lập tức có đủ 6 nghìn thùng hàng.

Ngoài ra, theo ông Tiến, ngày ký hợp đồng là 27/7, nhưng phải đến ngày 31/7 thì ông Tiến mới liên hệ với ông Hưng lần đầu (trước đó đều làm việc qua ông Thường). Lúc đó, ông Hưng mới bảo vợ dẫn đi xem nhà máy, chứ không phải trước lúc ký hợp đồng.

“Điều đáng nói là việc, xưởng này hoàn toàn sử dụng máy dập tay thủ công. Khi hỏi công nhân tại xưởng thì được biết, lượng hàng có thể sản xuất mỗi ngày chỉ khoảng 50 - 70 thùng hàng. Trong khi thoả thuận giữa tôi và họ là 600 thùng/ngày”, ông Tiến khẳng định.

Trả lời về bản hợp đồng trên, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại và XNK Hưng Phát, ông Nguyễn Thế Hưng kiên quyết khẳng định bên ông không phát hành hợp đồng có nội dung này ra cho ông Tiến và Công ty Trường Tiến, mặc dù phía sau hợp đồng có dấu và chức danh của ông Hưng.

Ông Hưng cũng cho biết, phía ông Tiến có thể đưa hợp đồng ra để đối chiếu. Tuy nhiên, hợp đồng này hiện vẫn đang nằm trong tay người môi giới là ông Thường.

Doanh nghiệp nên làm gì khi bị xảy ra tranh chấp?

Chia sẻ về quyền lợi của doanh nghiệp trong vụ tranh chấp hợp đồng này, ông Vũ Văn Biên, giám đốc Công ty Luật TNHH An Phước cho rằng, ông Tiến có thể yêu cầu ông Hưng phải giao trả lại tài sản, nếu nhận thấy ông Hưng có ý chiếm đoạt tài sản của mình một cách bất hợp pháp, không có căn cứ pháp lý rõ ràng.

Thứ hai, nếu có đủ căn cứ rõ ràng đầy đủ chứng minh việc ông Hưng có hành vi gian dối, lừa chiếm khoản tiền cọc bán khẩu trang mà khi tới thời điểm giao hàng, ông Tiến không nhận được hàng như đã thỏa thuận, thì có quyền làm đơn tố giác gửi tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại điều 144, khoản 1, 2, 3 của BLTTHS 2015.

Ông Tiến có thể tố giác việc ông Hưng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 174 và tội chiếm giữ tài sản trái phép được quy định tại điều 176 của BLHS 2015, để truy đòi, giao trả lại khoản tiền mà ông Hưng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trái phép của ông Tiến.

Về phía ông Hưng, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông Hưng có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền, để xem xét lại hành vi vi phạm trách nhiệm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng mà các bên đã cam kết thỏa thuận tại Hợp đồng số 303-HDMB giữa công ty Hưng Phát và công ty Trường Tiến ký giữa ngày 27/07/2020.

Qua đó, ông Hưng có thể yêu cầu ông Tiến phải tiếp tục thực hiện hợp đồng theo điều 304 khoản 1 của BLDS 2015: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện”.

Vụ việc sẽ còn được Dân trí thông tin thêm đến bạn đọc!