Vụ khách sạn Park Hyatt chưa thể dừng lại

Tòa Tối cao tại TPHCM vừa đưa ra xét xử lại vụ khách sạn Park Hyatt trong ngày 28/8/2007, tuy nhiên phán quyết của Toà phúc thẩm không được Công ty Radiant Investment Limited (RIL) - nhà đầu tư sở hữu 51% vốn điều lệ chấp nhận.

Cụ thể, Tòa phúc thẩm đã tuyên bố hủy bỏ toàn bộ phán quyết của Tòa sơ thẩm TPHCM đưa ra hồi tháng 4/2007, không công nhận ba nghị quyết của 8 thành viên hội đồng quản trị Công ty Liên doanh Khách sạn Grand Imperial Saigon (GISH) - sở hữu 81% vốn của khách sạn Park Hyatt, thay thế ông Nguyễn Văn Hảo ở vị trí tổng giám đốc và chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT).

Phán quyết này đồng nghĩa với việc cho phép ông Nguyễn Văn Hảo, đại diện United Concord International Limited (UCI) - nhà đầu tư chiếm 19% vốn điều lệ - giữ cương vị tổng giám đốc và chủ tịch HĐQT vĩnh viễn cho đến khi nào ông không còn muốn giữ cương vị này nữa.

Theo quyết định của tòa phúc thẩm, có 2 cơ sở để tòa phúc thẩm bác bỏ phán quyết của tòa sơ thẩm: Một là ông Dato’ Jaya JB Tan, đại diện RIL, đã không kiếm được nguồn tài chính cho công ty liên doanh trong thời gian thực hiện dự án xây dựng khách sạn Park Hyatt.

Thứ 2 là mặc dù các bên liên doanh trong GISH trước đây đã thỏa thuận trong điều lệ là khi luật thay đổi về tỷ lệ biểu quyết, cho phép biểu quyết theo nguyên tắc đa số thay vì nhất trí 100% thì các bên sẽ áp dụng theo nguyên tắc đa số đó, nhưng tòa phúc thẩm cho rằng dẫu các bên có thỏa thuận như vậy và ngày nay có sự thay đổi của luật pháp như đã dự liệu, thì việc áp dụng điều lệ vẫn phải theo nguyên tắc nhất trí và thỏa thuận chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký với cơ quan cấp phép đầu tư.

Như vậy, ở 2 phiên tòa (sơ thẩm và phúc thẩm) đã đưa ra 2 kết luận khác nhau trong vấn đề sử dụng nguyên tắc nhất trí hay đa số trong liên doanh, mà cụ thể là ở công ty GISH. Đại diện RIL cho hay sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc để bảo vệ công lý và phần vốn góp của mình.

Khi thành lập liên doanh vào năm 1994, ba đối tác là Công ty Radiant Investment Limited (RIL) của Malaysia; Tổng Công ty Xây dựng Sài gòn (SGC) của Việt Nam; và Công ty United Concord International Limited (UCI) của Hồng Kông. Tỉ lệ góp vốn điều lệ của ba đối tác trên lần lượt là 51%, 30%, và 19%.

Trải qua nhiều khó khăn khách quan và chủ quan suốt từ khi thành lập công ty, kể cả sóng gió của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cuối cùng thì đến tháng 10/2005 khách sạn 5 sao Park Hyatt cũng đã hình thành và đi vào hoạt động. Không may là đến tháng 8/2006 thì sóng gió lại nổi lên do những bất đồng về nguyên tắc nhất trí.

Hai đối tác là RIL Malaysia và SGC Việt Nam, chiếm 81% vốn điều lệ của công ty và 8 trong 10 thành viên Hội đồng Quản trị, đã quyết định thay đổi Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty. Tuy nhiên, đối tác thứ ba là UCI Hồng Kông (với 19% vốn điều lệ và 2 trong 10 thành viên Hội đồng Quản trị) đã không chấp nhận quyết định này, viện theo nguyên tắc nhất trí.

Chính vì vậy, một quyết định của đa số (về vốn cũng như về người) đã không thể được thực hiện trong suốt gần một năm qua, và vụ việc đã phải đưa ra xử tại Tòa án Nhân dân TPHCM. Tháng 4/2007 vừa qua Tòa án Nhân dân TPHCM đã xét xử sơ thẩm vụ kiện và kết luận: công nhận giá trị pháp lý của các quyết định theo đa số nói trên. Phía Công ty UCI đã kháng án và vụ việc đang chờ được đưa lên Tòa phúc thẩm.

Theo Nguyễn Sa
VietNamnet