Vụ 9 người Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc: Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin rút kinh nghiệm

(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có thông cáo chính thức về việc 9 người được cho là lãnh đạo doanh nghiệp đi "nhờ" chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cuối năm 2018 và bỏ trốn tại nước này. Theo đó, Bộ Kế hoạch xin rút kinh nghiệm và cam kết sẽ xử nghiêm nếu cán bộ có sai phạm.

Trong thông báo phát đi hôm nay 26/9, Bộ KH&ĐT khẳng định: Nghiêm túc rà soát, rút kinh nghiệm để có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài trong thời gian tới đây, sau vụ việc 9 người tham gia đoàn công tác tại Hàn Quốc không trở về Việt Nam.

Vụ 9 người Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc: Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin rút kinh nghiệm - 1

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị lên danh sách cho các doanh nghiệp đi "nhờ" chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội, nhưng một số đã bỏ trốn xin rút kinh nghiệm và hứa xử nghiêm cán bộ nếu sai phạm

Bộ KH&ĐT đã chỉ đạo Cục Đầu tư nước ngoài - đơn vị đầu mối tổ chức đoàn, tiến hành rà soát, rút kinh nghiệm để có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài tới đây.

Theo Bộ Kế hoạch, việc chọn lọc, thẩm định, lập danh sách đoàn doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng, sau đó gửi các cơ quan hữu quan thẩm tra, cho ý kiến. Việc quản lý đoàn đi cũng được thực hiện chặt chẽ.

Tuy nhiên, một số người đã cố tình lợi dụng việc tham gia đoàn để bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp, bỏ cả hộ chiếu lại.

Bộ KH&ĐT cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để truy tìm các đối tượng hiện đang bỏ trốn để triệu hồi về nước và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp phát hiện nội bộ có sai phạm liên quan, Bộ sẽ không bao che mà nghiêm khắc xử lý cán bộ theo mức độ và quy định của pháp luật.

Trước đó, trả lời báo chí, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói: Đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc này và lấy làm tiếc về vụ việc.

Theo ông Dũng, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi cùng các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp xúc tiến cơ hội kinh doanh, hợp tác thương mại và đầu tư.

Bộ trưởng cho biết, cơ quan được giao nhiệm vụ chọn lọc, thẩm định đã rất cẩn thận từng đối tượng và gửi các cơ quan khác để thẩm tra. Sang Hàn Quốc hộ chiếu của các người này đều được giữ lại và đã được giao cho cơ quan chức năng giữ để điều tra vụ việc.

Ông này nói: "Dù làm hết sức chặt chẽ và trách nhiệm, nhưng làm tốt cả trăm đoàn mà một đoàn xảy ra vụ việc là rất mang tiếng".

Bộ trưởng Dũng khẳng định sẽ làm chặt chẽ, hết trách nhiệm, phối hợp với Bộ Công an tìm ra những người này.

Vụ việc 9 người được cho là đại diện doanh nghiệp đi "nhờ" trên chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang Hàn Quốc vào cuối tháng 12/2018 dù 10 tháng trôi qua nhưng mới đây báo chí và truyền thông Hàn Quốc đưa tin lại vụ việc. Điều này khiến dư luận dậy sóng muốn các cơ quan chức năng của Việt Nam làm sáng tỏ vụ việc có ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Quốc hội và đất nước.

Mới đây, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội cho biết: Việc chọn phái đoàn đi dự diễn đàn, cấp giấy mời, visa tham gia đoàn là do Bộ KH-ĐT phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc thống nhất danh sách, tổ chức cho doanh nghiệp của hai nước ngồi với nhau, gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, những người bỏ trốn không thuộc thành phần đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc và không được cấp visa ngoại giao.

Vì thế, khi sang đến Hàn Quốc, toàn bộ sinh hoạt, đi lại, ăn ở, khách sạn của đoàn này đều độc lập với đoàn ngoại giao hoặc do Bộ KH-ĐT lo.

Kết thúc các hoạt động, ngày 7/12/2018, lúc lên máy bay trở lại Việt Nam, các cơ quan mới phát hiện, báo cáo còn 9 người chưa tới nhưng tới giờ bay, đoàn phải khởi hành, không thể kéo dài thời gian chờ. Khi về tới Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan gửi công văn thông báo tới phía Hàn Quốc và tìm cách đưa những người này trở về.

Được biết, đến nay, 2 trong số 9 người Việt bỏ trốn để ở lại Hàn Quốc khi đó đã bị trục xuất về nước.

Hiện dư luận đang muốn làm rõ danh tính của 9 đối tượng bỏ trốn nói trên, làm rõ thủ đoạn bỏ trốn ở nước ngoài và truy trách nhiệm cơ quan, cá nhân quản lý trực tiếp để xảy ra vụ việc.

Hiện Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vẫn đang phối hợp để làm rõ, điều tra các đối tượng bỏ trốn tại Hàn Quốc

Dân Trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc...

Nguyễn Tuyền