1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

VSA lại “cầu cứu” Thủ tướng vụ thép Việt - Ý

Sau hơn nửa tháng tạm yên ắng, ngày 10/4, vụ Công ty Cổ phần Thép Việt - Ý (VIS) tiếp tục nhập 5.000 tấn thép cây C3 từ Trung Quốc, gắn mác VIS. Vụ việc nóng trở lại khi Hiệp hội Thép VN (VSA) gửi tiếp công văn thứ hai lên Thủ tướng Chính phủ.

Không phản đối VIS căng thẳng như lần trước, nhưng trong 3 đề nghị khẩn thiết gửi Thủ tướng lần này, VSA vẫn tỏ ra không đồng tình... Trong khi đó, một số cơ quan chức năng lại cho rằng vụ nhập thép của VIS là “chẳng có vấn đề gì”!

VSA vẫn “ấm ức”

Theo VSA, ngày 30/3, lô hàng thép cây đặt hàng từ Trung Quốc của VIS đã được nhập về cảng Hải Phòng. Những cây thép được in chữ nổi VIS này không khác gì thép cây VIS của Công ty Cổ phần Thép Việt - Ý sản xuất và bán trong nước. Trên mỗi bó thép khoảng 70 cây mới có một chiếc eteket (mác nổi) nhỏ in chữ Trung Quốc được gắn sơ sài, có thể tháo bỏ dễ dàng và không ghi rõ xuất xứ hàng hóa.

Đại diện VIS cho biết sẽ gắn mác phụ vào bó nhỏ, nhưng mác phụ cũng có thể bị người bán lẻ tháo bỏ dễ dàng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng giữa thép Việt - Ý sản xuất tại VN và thép Việt - Ý sản xuất tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng theo VSA, lô hàng hiện nay đã được thông quan và được chuyển dần về kho của VIS tại Hưng Yên. Trong khi đó, những kiến nghị của các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép thuộc mọi thành phần kinh tế chưa được các cơ quan quản lý Nhà nước đáp ứng giải quyết theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Với lý do ngăn chặn nguy cơ thép Trung Quốc nhập ồ ạt vào thị trường VN, gây đình đốn sản xuất mặt hàng cùng ngành, đe dọa việc làm của hàng vạn công nhân ngành thép trong nước, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nước ngoài vào ngành này..., VSA đã “khẩn thiết đề nghị” Thủ tướng Chính phủ:

Một là, trong thời gian chờ cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra xử lý, cần tạm dừng ngay việc nhập khẩu sản phẩm thép theo hành vi tương tự của VIS.

Hai là, lô hàng thép đã nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường khi có kết luận chính thức của cơ quan quản lý Nhà nước theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, Nhà nước có chính sách thích hợp để bảo vệ sản xuất trong nước nói chung, sản xuất của ngành thép nói riêng, phù hợp với lộ trình hội nhập, để các DN có đủ thời gian nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập thành công với nền kinh tế thế giới.

Nhượng thương hiệu là quyền của DN

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí chiều 10/4, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Thương mại, cho rằng nếu không làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn về xuất xứ thì việc đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc mà VIS đã làm là không có vấn đề gì.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thương mại nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý vụ này. Thông tin mới nhất mà chúng tôi nắm được là Bộ Thương mại đã có văn bản chính thức trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đề xuất cách xử lý.

Cùng quan điểm với bà Đinh Thị Mỹ Loan, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cho rằng: “Về góc độ pháp luật, nếu VIS không làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn về xuất xứ, công ty có thể đặt hàng một đối tác ở Trung Quốc sản xuất thép theo nguyên tắc các DN có quyền nhượng thương hiệu của mình”.

Dưới góc độ sản xuất, luật sư Huỳnh cho rằng VSA và các thành viên nên có tầm nhìn xa hơn nữa, như tăng nguồn phôi, tận dụng thép phế liệu... để giảm giá thành.

Theo Gia Linh
Báo Người lao động