Vòng luẩn quẩn vay mượn giữa doanh nghiệp - ngân hàng
(Dân trí) - Trong khi các doanh nghiệp hạn chế vay vốn ngân hàng thì về phía các nhà băng, thái độ thận trọng cũng ngày một tăng lên. Nếu không tìm được tiếng nói chung, có lẽ vòng luẩn quẩn giữa người đi vay và người cần cho vay sẽ tiếp tục còn kéo dài trong nhiều năm tới.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Kết quả cho thấy, hơn 75,6% số đại diện được hỏi cho biết, lượng vốn vay từ ngân hàng của họ chỉ chiếm dưới 50% tổng vốn kinh doanh, 24,4% còn lại vay trên 50% vốn kinh doanh, với đa phần câu trả lời đều dưới 70%.
Nguồn: Khảo sát các Doanh nghiệp VNR500, Fast500 và V1000 do Vietnam Report thực hiện, Tháng 8/2014
Trong khi đó, các ngân hàng dường như thận trọng hơn khi cho doanh nghiệp vay vốn. Khi được hỏi, đâu là khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, các đại diện đã lựa chọn 3 rào cản chủ yếu bao gồm: Phương án vay vốn không thuyết phục và không hấp dẫn (68,6%), Tiềm lực của doanh nghiệpchỉ ở mức vừa và nhỏ (65,7%), Các quy định thắt chặt vốn cho vay của ngân hàng do Nhà nước ban hành (62,9%).
Thực tế cho thấy, việc vay vốn của doanh nghiệp hiện nay đã trở nên minh bạch hơn, tuy nhiên để vay được vốn không phải là chuyện dễ dàng. Sự thận trọng của các ngân hàng trong việc kiểm định tài sản cho vay, phương án kinh doanh hay đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp nhằm hạn chế các khoản nợ xấu, nợ khó đòi là cần thiết. Do vậy, doanh nghiệp cần minh bạch thông tin, đánh giá đúng tiềm năng sinh lời của mình giúp việc vay vốn ngân hàng diễn ra được thuận lợi.
Song song với đó, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là đối tượng chính cần vay vốn. Nếu ngân hàng tiếp tục quan điểm lựa chọn các dự án lớn, an toàn, có khả năng sinh lời cao thì rất khó cho các đối tượng này có thể tiếp cận được với nguồn vốn, trong khi lượng vốn huy động của ngân hàng đang cao hơn rất nhiều so với vốn cho vay.
Nếu không tìm được tiếng nói chung, có lẽ vòng luẩn quẩn giữa người đi vay và người cần cho vay sẽ tiếp tục còn kéo dài trong nhiều năm tới đây.
Bích Diệp