1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vốn ODA: Đừng để càng vay, càng nghèo

12 năm qua, kể từ khi quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và cộng đồng tài trợ quốc tế được nối lại (11/1993), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Khi đa phần nguồn vốn này là vốn vay, chúng ta sẽ phải trả theo cam kết, thì việc quản lý, sử dụng vốn ODA có biểu hiện thất thoát, lãng phí đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và toàn xã hội.

 

Đó là nội dung chủ yếu của cuộc hội thảo “Quản lý và giám sát sử dụng vốn ODA- những vấn đề Quốc hội quan tâm” vừa được Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội tổ chức trong 2 ngày 6 và 7/7/2006.

 

“Chất xúc tác” hữu hiệu

 

Ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: nguồn vốn ODA thời gian qua đã được sử dụng tập trung cao cho khôi phục và phát triển kết cấu  hạ tầng kinh tế và xã hội. Trong đó ngành giao thông vận tải, bưu chính viễn thông được ưu tiên cao nhất với số vốn ODA khoảng hơn 6,3 tỷ USD...

 

Báo cáo kết quả giám sát lĩnh vực ODA của Uỷ ban Đối ngoại cũng như đánh giá của Thường trực Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cùng thống nhất quan điểm: việc sử dụng vốn ODA về cơ bản là có hiệu quả nhưng cơ chế quản lý, giám sát, sử dụng nguồn vốn này còn nhiều vướng mắc làm hạn chế hiệu quả của việc sử dụng nguồn tài trợ từ bên ngoài.

 

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội đã nêu lên nhiều nhược điểm cần sớm khắc phục. Đó là việc quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài, nhất là vốn ODA hiệu quả còn thấp; khung pháp lý cao nhất về quản lý và sử dụng ODA hiện nay là Nghị định 17/CP năm 2001 của Chính phủ nhưng thực thi Nghị định này chưa triệt để.

 

Hiện tại công tác theo dõi vốn ODA mới chỉ chủ yếu tập trung vào báo cáo tiến độ, tình hình thực hiện để đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ nhằm giải ngân dự án; chỉ chú trọng nhiều trong khâu thu hút ODA chưa chú ý thỏa đáng khâu thẩm định hiệu quả dự án, thiếu kiểm tra quá trình thực hiện dự án.

 

Các ban quản lý dự án được giao quá nhiều quyền mà không rõ về trách nhiệm; gây thất thoát, lãng phí đối với nguồn vốn ODA, đến chất lượng các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn này, mà còn tác động bất lợi đến môi trường đầu tư và thực hiện cam kết của các nhà tài trợ vốn ODA đối với Việt Nam.

 

Ở nước ta, hiện còn tồn tại quan niệm sai lệch của một số cơ quan thụ hưởng ODA, coi ODA không hoàn lại là Chính phủ cho, ODA vốn vay là Chính phủ trả nợ, hậu quả là ra sức tranh thủ nguồn vốn ODA nhưng không tính toán hiệu quả kinh tế, tính bền vững sau dự án và khả năng trả nợ.

 

Thực tế xảy ra vụ tiêu cực, tham nhũng lớn ở PMU18 và nhiều dự án quan trọng thuộc ngành dầu khí thời gian vừa qua...đang đòi hỏi tăng cường công tác giám sát, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.

 

Đã có ý kiến cho rằng cần xem xét, hướng tới giảm dần vay vốn ODA với những dự án không sinh lời, những dự án cấp phát ngân sách (cấp phát lại) 100% sau khi vay vốn và tăng dần các dự án có khả năng sinh lời (các dự án xin vay lại) đề góp phần tạo nguồn trả nợ.

 

Đừng để càng vay, càng nghèo

 

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 đã xác định nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 2.200 nghìn tỷ đồng (theo giá năm 2005), tương đương 140 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư khoảng 18%/năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 7,5-8%/năm.

 

Trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội nói trên, dự kiến nguồn vốn nước ngoài chiếm khoảng 35%, trong đó vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA trong 5 năm 2006-2010 dự kiến đạt trên 19 tỷ USD vốn cam kết, giải ngân dự kiến tăng từ 1,7USD năm 2005 lên 2,3 tỷ USD năm 2010. Tính chung nguồn vốn ODA dự kiến giải ngân trong 5 năm 2006- 2010 sẽ khoảng trên 11 tỷ USD.

 

Các nhà quản lý, các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế đã cảnh báo: không nên coi ODA là nguồn viện trợ thuần túy, dẫn đến sử dụng kém hiệu quả, lãng phí không trả được nợ và cuối cùng là bị lệ thuộc vào bên ngoài.

 

Ông Trần Xuân Trí, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Trung ương kiến nghị sửa đổi một cách căn bản về cơ chế quản lý và sự dụng vốn ODA theo hướng: toàn bộ nguồn vốn ODA rút về ngân sách Nhà nước, sau đó sẽ được cấp phát thanh toán ra cho dự án theo kế hoạch hàng năm được giao sẽ đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn vốn ODA theo Luật ngân sách Nhà nước. Cơ chế này đã được thực hiện hiệu quả ở 2 dự án của ADB ở ngành nông nghiệp trị giá gần 150 triệu USD.

 

Một yếu tố khác không kém quan trọng đó là sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng như xác lập cơ chế phối hợp giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp trong việc quản lý, sử dụng, giám sát vốn ODA.

 

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm hướng tới sự hoàn thiện cơ chế quản lý vốn ODA, ngày 29/3/2006, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo thay thế Nghị định 17/CP năm 2001.

 

Thay đổi lớn nhất của dự thảo là mở rộng phân cấp phê duyệt dự án/chương trình ODA mà vẫn giữ được nguyên tắc Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về ODA trên cơ sở phân cấp tăng cường trách nhiệm, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và phát huy tính chủ động của các cấp, cơ quan quản lý ngành, địa phương và các đơn vị thực hiện.

 

Từ kinh nghiệm quản lý và sử dụng vốn ODA từ các quốc gia láng giềng, ông Nguyễn Thành Đô, Vụ trưởng Vụ Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đề xuất: cần chủ động và tránh các biểu hiện “chạy theo số lượng mà không thực sự coi trọng việc đảm bảo chất lượng của các khoản đầu tư từ nguồn vốn vay”.

 

Việc sử dụng vốn phải gắn với khả năng tạo ra nguồn thu ngoại tệ để trả nợ, cần từ chối những dự án xét thấy không hiệu quả và phù hợp với mục tiêu sử dụng. Nhất là cần nâng cao tính tự chủ và vai trò trách nhiệm của chủ đầu tư, thực hiện tốt các khâu của qui trình dự án...

 

Thu hút, tranh thủ tối đa nguồn vốn từ bên ngoài như ODA là cần thiết song quan trọng hơn cả là điều phối và sử dụng ra sao để nguồn vốn này được sử dụng có hiệu quả và có trách nhiệm vì chính chúng ta và thế hệ tương lai sẽ là người gánh chịu “cái giá phải trả cho sự thất bại”.

 

Theo Ngân Giang

VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm