1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

VNPT không thể "ôm" cả VinaPhone và MobiFone

(Dân trí) - Chiểu theo quy định nêu tại Thông tư số 10 của Bộ TT&TT vừa ban hành, VNPT sẽ không thể đồng thời nắm trên 20% vốn tạiMobiFone và VinaPhone như hiện nay.

VNPT mong muốn đạt phương án sáp nhập nhưng phép cộng này không hề đơn giản.
VNPT mong muốn đạt phương án sáp nhập nhưng "phép cộng" này không hề đơn giản.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành Thông tư số 10/2012, ban hành danh mục dịch vụ viễn thông quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 25 ngày 6/4/2011 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông

Theo đó, tại Điều 1 của Thông tư này quy định, ban hành danh mục dịch vụ viễn thông mà một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông.

Chiểu theo văn bản này, VNPT nắm 100% vốn cả hai mạng viễn thông lớn là MobiFone và VinaPhone như hiện này là điều không được phép.
 
Do đó, VNPT chỉ có 2 phương án để lựa chọn: xin sáp nhập VinaPhone và MobiFone hoặc Tập đoàn buộc phải thực hiện cổ phần hóa 1 trong 2 đơn vị này và tại doanh nghiệp sau khi đã được cổ phần hóa, phần vốn của VNPT cũng không được chiếm quá 20% vốn điều lệ.

Hiện tại, VNPT đang nghiêng về phương án thứ nhất mặc dù "phép cộng" này không đơn giản để ra đáp số. Cụ thể, tại Đề án tái cấu trúc mà Tập đoàn vừa trình Bộ Thông tin và Truyền thông và gửi trình Chính phủ có đưa ra đề xuất hợp nhất hai doanh nghiệp MobiFone và VinaPhone thành Tổng công ty thông tin di động (VNPT- Mobile).

Bản Đề án nêu lý do, trong 5 năm vừa qua, MobiFone đã đóng góp khoảng 40% doanh thu, trên 60% tổng lợi nhuận của tập đoàn nên VNPT đề nghị Chính phủ không cổ phần hóa MobiFone để tạo điều kiện hoạt động của VNPT được ổn định, đủ nguồn lực cần thiết cho quá trình đổi mới, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, VNPT và người lao động. Nguyện vọng của Tập đoàn là sau năm 2015 mới cổ phần toàn bộ VNPT cùng các công ty chủ lực.

Tuy nhiên, "mong ước" của VNPT lại vướng Luật Cạnh tranh. Theo đó, tại điều 18 của luật này có quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan. 

Số liệu được nêu ở sách Trắng Công nghệ thông tin năm 2011 cho thấy, thị phần MobiFone ở mức 29,11%, của VinaPhone là 28,71%. Thị phần của hai doanh nghiệp này cộng lại gần 60% với khoảng gần 80 triệu thuê bao và nếu như sáp nhập thì công ty mới sẽ "ẵm" trên 50% thị phần, là vi phạm luật. Hơn nữa, lúc đó, thị trường sẽ chỉ còn tập trung vào hai "ông lớn" VNPT và Viettel (đang chiếm 36,72% thị phần), còn 5% trong thế cạnh tranh lúc đó là quá chật vật cho các đối thủ nhỏ.

Bích Diệp