VN-Index giảm mạnh xuống 491 điểm
(Dân trí) - VN-Index đóng cửa phiên giao dịch sáng nay 28/7 giảm tới 6,48 điểm xuống 491,19 điểm (mức giảm 1,3%) khi chỉ số này xuyên thủng ngưỡng kháng cự 495 điểm vào thời điểm 9h34.
VN-Index bắt đầu lao dốc từ đợt 2.
Khối lượng giao dịch phiên này tăng 9% so với phiên trước, đạt 46,86 triệu cổ phiếu, tương đương 1.382,42 tỷ đồng.
Thị trường đã có dấu hiệu điều chỉnh ngay từ đợt 1 khi mở cửa VN-Index giảm nhẹ với khối lượng giao dịch chỉ ở mức trên 1,9 triệu đơn vị mặc dù TTCK Châu Á sáng nay đồng loạt tăng điểm mạnh.
Tính tại thời điểm 11h trưa nay, chỉ số MSCI Asia của Châu Á tăng 0,07%; Nikkei 225 của Nhật tăng 2,25% lên 9.736,46 điểm; Hang Seng Index của Hồng Kông tăng 0,41%; thị trường Hàn Quốc, Singapore, Philippin... đều tăng điểm.
Đã có rất nhiều lý do đưa ra cho sự sụt giảm của VN-Index nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do nguồn cung ngày một tăng cao, trong khi dòng tiền thì lại ngày một sụt giảm.
Thị trường vừa qua chủ yếu do giới đầu cơ thao túng, penny tăng trần hàng loạt trong khi bluechips sụt giảm liên tục, điều này khiến khá nhiều NĐT chọn giải pháp đứng ngoài thị trường.
Kết quả kinh doanh quý II không hỗ trợ nhiều cho thị trường, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp thấp hơn tốc độ tăng vốn, một số ít công ty tăng trưởng khá như SBS, VNM, FPT, DPM chỉ tăng nhẹ từ 100 - 400 đồng, riêng VNM giảm 500 đồng.
Ngay cả PVF công bố kết quả kinh doanh quý II của công ty mẹ đạt hơn 200 tỷ đồng (quý I hợp nhất toàn công ty lãi hơn 30 tỷ) nhưng sáng nay mã này vẫn giảm sàn xuống 24.000 đồng/cp.
Ngoài 35 mã giảm sàn, các bluechips giảm sâu “góp phần” kéo VN-Index giảm sâu là SSI (giảm 400 đồng); OGC (giảm 1.400 đồng); FPT (giảm 1.500 đồng); GMD (xuống 39.000 đồng/cp; điều chỉnh giá tham chiếu do hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu giá 20.000 đồng tỷ lệ 3:2); HPG giảm 700 đồng, DIG giảm 1.000 đồng, REE giảm xuống 18.000 đồng/cp…
Nhóm penny bị bán khá mạnh sáng nay. FDC giao dịch 1,63 triệu cp, tăng 1.200 đồng lên 47.200 đồng/cp (đã có lúc cổ phiếu này tăng trần lên 48.300 đồng/cp); GTT của CTCP Thuận Thảo tăng 200 đồng, giao dịch tăng đột biến hơn 1 triệu cổ phiếu.
Hai mã tăng trần là ASM của CTCP Đầu tư xây dựng Sao Mai An Giang (dư mua trần cuối phiên hơn 500.000 cp) và DPR của CTCP Cao su Đồng Phú.
Tại sàn Hà Nội, trong khoảng 30 phút cuối ngày, HNX Index đã có sự phục hồi nhẹ tuy vậy chốt ngày, HNX Index vẫn mất 2,54 điểm (-1,64%) xuống 152,38 điểm.
Tại thời điểm đóng cửa, toàn thị trường có 233 mã giảm, 59 mã tăng và 28 mã đứng giá. Tổng cộng có 33 mã đóng cửa ở giá sàn, trong đó có AMV, CCM, DID, LDP, MDC, SRA, SRB, TNG, VE1, VE9...
Phía tăng trần có 7 mã gồm: HPS, LCS, LO5, LUT, SDC, SJ1 và TET. Các mã chủ chốt giảm nhẹ: ACB giảm 300 đồng, VCG giảm 500 đồng, KLS giảm 100 đồng, PVX giảm 1.100 đồng.
Một mã đáng chú ý là HBS của Chứng khoán Hòa Bình, tăng 1.000 đồng lên 20.500 đồng với hơn 1,35 triệu đơn vị được khớp.
Giá trị giao dịch sau 2 phiên xoay quanh mức 870 tỷ đã tăng lên 1.006 tỷ đồng, tương ứng với 34,49 triệu đơn vị được khớp. Các mã được giao dịch nhiều nhất hôm nay là: PVX (2,76 triệu đơn vị), KLS (1,58 triệu), HBS (1,35 triệu), TLC (0,96 triệu), VCG (0,86 triệu)...
Hôm nay có thêm 3 mã mới đi vào giao dịch là HHG (CTCP Hoàng Hà), HMH (CTCP Hải Minh) và VHH (Viwaseen Huế). Đáng chú ý nhất là HHG với hơn 588.000 đơn vị được chuyển nhượng, giá bình quân đạt 16.900 đồng.
Phương Mai - Quốc Thắng