Vn-Index đầu tuần mất đến gần 7 điểm

(Dân trí) - Kết thúc phiên giao dịch sáng nay 23/3, Index 2 sàn tiếp tục giảm với mức độ mạnh hơn. 30 triệu cổ phiếu PNJ chào sàn “hừng hực khí thế” cũng không giúp cải thiện được sức cầu của thị trường.

Vn-Index đầu tuần mất đến gần 7 điểm - 1
Nhà đầu tư lại phải đau đầu tính toán (ảnh: Hữu Nghị).
 
Tiếp tục đà giảm điểm của phiên giao dịch cuối tuần trước, chốt lại phiên giao dịch đầu tuần mới, Vn-Index giảm khá mạnh khi để mất 6,46 điểm (tương đương giảm 2,42%) xuống còn 260,16 điểm.

Chiều hướng giảm mạnh trong phiên hôm nay có phần nguyên nhân từ sức cầu giảm sút trong khi tâm lý bán ra lại diễn ra khá mạnh.

Sức ép bán ra tăng cao trong khi bên mua có phần chững lại khiến thanh khoản của thị trường chỉ tăng nhẹ so với phiên giao dịch cuối tuần trước. Toàn thị trường có 17,34 triệu đơn vị giao dịch với tổng giá trị đạt 446,632 tỷ đồng.

Phiên giao dịch hôm nay, HoSE tiếp tục có thêm cổ phiếu mới niêm yết là PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận với khối lượng niêm yết là 30 triệu cổ phiếu và giá tham chiếu là 38.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mã cổ phiếu thứ 180 niêm yết trên HoSE.

Kết thúc phiên, theo thống kê đã có 121/180 mã giảm giá trong đó có 41 mã giảm sàn, 31 mã tăng giá với 12 mã tăng trần, 24 mã đứng giá và 4 mã không có giao dịch là BHS, SGC, SJ1 và ST8.

Nhóm 10 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất sàn phiên này hầu hết đều giảm giá trong đó việc VIC, PPC, PVD giảm sàn khá mạnh là nguyên nhân kéo Vn-Index giảm sâu, các mã chưa giảm hết biên độ gồm STB, VNM, FPT, HAG…

Ngoài ra còn một loạt Blue-chips khác giảm giá như: REE, SAM, SSI, SJC, ITA.

Những cổ phiếu tăng trần phiên này đáng chú ý có tân binh PNJ với việc tăng hết 20% biên độ cho phép lên 45.600 đồng/cổ phiếu, như vậy đã tăng 7.600 đồng. Ngoài ra nhóm cổ phiếu cao su cũng có khá nhiều với các mã tăng trần như TNC, TRC, HRC, DRC…

Về giao dịch, STB vẫn đứng đầu với 1,96 triệu cp, tiếp theo là SSI với 1,27 triệu cp, sau đó là các mã REE, SAM, PPC, HPG có giao dịch dưới 1 triệu đơn vị.

Giao dịch của mã PNJ đã bị ngưng trệ ngay khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục bởi sức cầu đối với mã này vẫn còn rất lớn nhưng bên bán đã ngừng bán ra mã cổ phiếu này nên kết thúc phiên vẫn chỉ có 35.010 đơn vị được khớp lệnh thành công.

Bên sàn Hà Nội, Hastc-Index đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần với mức giảm 2,43 điểm xuống 93,14 điểm. Khối lượng giao dịch vẫn được duy trì ở mức cao khi động tác bắt đáy mua giá sàn vẫn được khá nhiều nhà đầu tư thực hiện trong khi một số khác muốn chốt lời để bảo toàn vốn. Cuối phiên, đã có hơn 10 triệu cổ phiếu khớp lệnh trên thị trường, đạt 192,07 tỷ đồng.

Trong số 161 mã có giao dịch, 112 mã giảm giá vào cuối phiên, 32 mã tăng giá và 17 mã giảm giá.

Các cổ phiếu tăng mạnh nhất phiên hầu hết là các cổ phiếu có thị giá dưới 20.000 đồng và khối lượng giao dịch thấp là NGC, SDJ, SCC, PJC và TPH, với mức tăng từ 600 – 900 đồng/cp.

Trong khi đó, VSP đang trở thành cổ phiếu có “sóng” mạnh nhất thị trường, khi Hastc-Index tăng điểm, VSP luôn nằm trong top các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất, nhưng trong phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu này chịu cảnh bị bán sàn, bình quân giảm 2.600 đồng xuống 40.600 đồng/CP, khớp lệnh gần 400.000 đơn vị.

Các mã khác giảm mạnh là KBC, S99, SCJ và SDC, trong đó KBC khớp lệnh gần 120.000 đơn vị.

Về khối lượng giao dịch, ba cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường đều giao dịch trên 1 triệu đơn vị là ACB (1,66 triệu), BVS (1,34 triệu), KLS (1,29 triệu), 3 mã này đều giảm điểm 600 - 800 đồng/CP.

Hai cổ phiếu xi măng là BCC của CTCP Xi măng Bỉm Sơn và BTS của CTCP Xi măng Bút Sơn tiếp tục tạo hiện tượng khi luôn giao dịch khối lượng lớn trong thời gian gần đây. Phiên này BCC giao dịch gần 900.000 đơn vị, tăng nhẹ 200 đồng, trong khi BTS giảm 300 đồng, khớp lệnh gần 550.000 cp.

Thanh Tú - Phương Mai