VincomSC đóng cửa, nhiều công ty sẽ “nối gót”?
Ngay sau khi VincomSC chính thức tuyên bố đóng sàn Hà Nội từ 27/10, nhiều nhà đầu tư đã buộc phải tính chuyện chuyển tài khoản sang công ty mới.
Tìm “nhà mới”
Những ngày đầu tiên sau khi Sàn giao dịch Hà Nội của VincomSC đóng cửa, dường như không có nhiều xáo trộn trên thị trường. Theo các nhà đầu tư, về cơ bản, mọi giao dịch qua tài khoản vẫn được duy trì thông qua dịch vụ trực tuyến.
Một nhà đầu tư nói rằng, việc đầu tiên sau khi thấy thông báo đóng cửa, anh và nhiều nhà đầu tư đã phải đến rút hết tiền trong tài khoản.
Đơn giản, công ty chuyển vào TPHCM thì để cho chắc ăn, cứ rút hết về đã vì chưa biết sau đó việc rút chuyển tiền sẽ thế nào. Anh này cho hay cũng đang tính chuyển tài khoản sang công ty chứng khoán khác ở miền Bắc cho tiện vì còn phải liên tục đóng, rút tiền và các dịch vụ hỗ trợ khác.
Trong khi đó, anh Long - một nhà đầu tư khác, nói thêm, anh vừa cùng mấy người bạn cũng vừa đóng tài khoản tại VincomSC. Đích mới được nhắm đến là các công ty chứng khoán lớn, đặc biệt có ngân hàng “tên tuổi” đứng sau để hỗ trợ giao dịch và tài chính.
Thậm chí, anh Long còn tỏ ra khá bi đát khi cho rằng, thị trường chắc sẽ còn nhiều công ty chứng khoán nhỏ phải phá sản, tốt nhất chuyển dần về các công ty lớn.
Theo thông báo từ Vincom, khách hàng của VincomSC tại sàn giao dịch miền Bắc sẽ có các lựa chọn đối với tài khoản giao dịch của mình: giữ nguyên để chuyển vào sàn giao dịch tại TPHCM; đóng tài khoản tại VincomSC hoặc chuyển sang Công ty CP Chứng khoán VPBank.
Khi chứng khoán không còn là “miếng bánh” dễ gặm
Thực tế, sau những biến động trên thị trường, không ít công ty chứng khoán dần thu hẹp hoạt động của mình.
Trước hết, đó là chấn chỉnh, co hẹp bớt chi nhánh ở các địa bàn nhỏ, ít nhà đầu tư. Nhiều công ty đã phải từ bỏ một số dịch vụ có yêu cầu lớn về vốn và các điều kiện khác. Lớn hơn là việc mua bán và và chuyển nhượng vốn trong các cho nước ngoài dẫn đến việc thay chủ đầu tư, rồi đổi tên công ty chứng khoán.
Cách đây 3 năm, khi thị trường “nóng rẫy”, một trào lưu thành lập các công ty chứng khoán nổ ra. Số lượng các công ty của Việt Nam đến nay khoảng 100. Đây là con số được nhiều chuyên gia nhận xét là quá nhiều, đông nhưng không mạnh.
Đến thời điểm này, chỉ còn khoảng 20 công ty lớn được nhà đầu tư điểm mặt, còn lại là nhỏ. Riêng 10 công ty đứng đầu đã chiếm 50% thị phần, hơn 90 công ty còn lại phải chia nhau miếng bánh nhỏ của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, khi mà chứng khoán phát triển “nóng”, các công ty nhỏ vẫn có thể sống tốt nhờ tự doanh. Song, khi thị trường đi xuống, tự doanh thua lỗ. Khi các công ty lớn sống khỏe nhờ tăng cường dịch vụ, thì số công ty nhỏ gặp vô vàn khó khăn. Họ thiếu nhân lực, công nghệ thấp, không thu hút được khách hàng.
Từ cuối năm ngoái, khi đối mặt với yêu cầu tăng vốn tối thiểu lên 300 tỷ đồng mới có thể thực hiện đủ cả 4 dịch vụ môi giới, nhiều công ty đã tìm cách thoái lui bằng cách cắt giảm nghiệp vụ kinh doanh.
Thậm chí, nhiều công ty tìm cách rút lui khỏi thị trường bằng việc bán lại hay bán bớt phần vốn cho đối tác khác. Tuy nhiên, VincomSC là công ty chứng chứng khoán đầu tiên tuyên bố đóng sàn và rút lui khỏi thị trường. Có thể nhận thấy, sự sàng lọc khắc nghiệt trên thị trường chứng khoán đã dần lộ rõ.
Sau VincomSC, rất có thể sẽ có những công ty khác “nối gót” đóng cửa theo hình thức khác nhau. Đây là quy luật tất yếu khi nhiều ông chủ nhận thấy, chứng khoán không còn là “miếng bánh” dễ gặm.
Theo Lê Khắc
VNR500