Việt Nam và Australia cam kết đẩy mạnh hợp tác về Công nghiệp 4.0
(Dân trí) - Tọa đàm Việt Nam - Australia về hợp tác thúc đẩy Công nghiệp 4.0 lần thứ hai đã tìm hiểu cơ hội tăng cường hợp tác nhằm nâng cao năng lực thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0 ở Việt Nam cũng như châu Á - Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng tốc tiến tới Công nghiệp 4.0, Việt Nam cam kết tích cực tham gia đón nhận công nghệ cũng như phát triển quan hệ đối tác và thúc đẩy khung chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng nhấn mạnh các giải pháp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải có tính ứng dụng và điều này cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và các trường đại học để cùng nhau triển khai nghiên cứu.
Trên tinh thần đó, Đại học RMIT và Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (VISTI) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã đồng tổ chức Tọa đàm Việt Nam - Australia về hợp tác thúc đẩy Công nghiệp 4.0 lần thứ hai.
Sự kiện tiếp nối thành công của tọa đàm lần thứ nhất diễn ra vào tháng 12/2020 tập trung vào hợp tác về chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành sản xuất và các chuỗi cung ứng liên quan tại Việt Nam.
Tọa đàm lần thứ hai có sự tham gia của đại diện chính phủ Việt Nam và Australia, các trường đại học, cũng như các tập đoàn hàng đầu Việt Nam và toàn cầu như Siemens, Adobe, Ericsson, EVN, Vietnam Airlines, Dat Xanh Services và Vingroup.
Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và tiến trình hợp tác giữa các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như xác định các yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển Công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, bao gồm xây dựng kỹ năng mới và chuyển đổi lực lượng lao động.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đã chia sẻ định hướng chiến lược nhằm hỗ trợ Việt Nam thích ứng với Công nghiệp 4.0 trong năm 2022 và tương lai.
Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công - tư nhằm thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và tính ứng dụng của nghiên cứu. Hơn nữa, ứng dụng công nghệ phải song song với phát triển chính sách và khuôn khổ pháp lý theo hướng tạo điều kiện phát triển và ứng dụng những công nghệ này. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh phải chuyển đổi số sâu và rộng, trong đó yếu tố con người phải là trọng tâm của công cuộc chuyển đổi.
Ông nhận định: "Các doanh nghiệp và trường đại học phải tăng cường hợp tác hơn nữa và qua đó đưa ra những giải pháp cho Công nghiệp 4.0. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp và trường đại học tận dụng các nguồn tài trợ từ chính phủ để phục vụ mục đích nghiên cứu".
Thứ trưởng cho biết: "Chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ các sáng kiến hợp tác không chỉ ở cấp chính phủ, mà còn giữa giới học thuật và cộng đồng doanh nghiệp hai nước".
Đại học RMIT và các đối tác doanh nghiệp đã giới thiệu kinh nghiệm của Australia trong việc chuyển đổi kỹ thuật số và hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp trong các lĩnh vực phù hợp của Công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo công nghiệp, Internet vạn vật, blockchain, điện toán đám mây, sản xuất bồi đắp (in 3D), an ninh mạng, v.v.
Giáo sư Aleks Subic, Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường (phụ trách Phân viện STEM) và Phó giám đốc phụ trách Đổi mới kỹ thuật số tại Đại học RMIT, cho biết: "Sẽ có những công việc mới xuất hiện trong thế giới hậu COVID do động lực từ phát triển công nghệ. Vì vậy, chúng ta cần sẵn sàng đón đầu thử thách này với những năng lực và kỹ năng phù hợp. Thách thức đối với chúng ta là tạo điều kiện cho những mô hình hợp tác mới để thúc đẩy phát triển kỹ năng mới với quy mô và tốc độ lớn".
Giáo sư Subic nói: "Chỉ thông qua quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp, trường đại học và chính phủ thì chúng ta mới có thể sẵn sàng đối mặt với thách thức này, đồng thời đem đến nền giáo dục có năng lực chuyển đổi trên quy mô toàn cầu và những công trình nghiên cứu có tác động mạnh, cũng như đầu tư vào đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực".
Là đồng chủ tọa của tọa đàm lần thứ hai về Công nghiệp 4.0, ông khẳng định Đại học RMIT cam kết tiếp tục phát triển quan hệ đối tác với tất cả các bên liên quan nhằm hỗ trợ thích ứng với Công nghiệp 4.0 và hiện thực hóa lợi ích của Công nghiệp 4.0 trên tất cả các lĩnh vực tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ tọa đàm, Đại học RMIT đã ký kết biên bản ghi nhớ tóm tắt với VISTI. Thỏa thuận mới này sẽ thúc đẩy hợp tác hai bên trong khuôn khổ các chương trình, nhiệm vụ và dự án về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cấp độ quốc gia và các cấp độ khác. RMIT và VISTI sẽ xây dựng các chương trình, mô hình và nguồn lực để phát triển và nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho cả khu vực công và tư ở Việt Nam. Ngoài ra, hai bên sẽ cùng tham gia nghiên cứu chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
RMIT cũng chính thức công bố Khoa Khoa học và Công nghệ của trường tại Việt Nam đổi tên thành Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ (SSET) và giới thiệu Trưởng khoa mới Giáo sư Brett Kirk tại sự kiện. Những hoạt động này củng cố cho việc nhà trường mở rộng đào tạo về STEM tại Việt Nam, bao gồm việc đưa vào giảng dạy hai chương trình cử nhân mới về tâm lý học và quản trị hàng không gần đây và kế hoạch cho ra mắt một số chương trình đào tạo thạc sĩ năm 2022.