Việt Nam thăng hạng tín nhiệm, liệu đã nên “ăn mừng”?

(Dân trí) - Mặc dù viễn cảnh tốt đẹp hơn cho nền kinh tế đang mở ra trước mắt, tuy nhiên vị trí thấp đi kèm với việc thăng hạng còn chậm, thị trường Việt Nam hiện nay trong mắt nhà đầu tư ngoại vẫn chỉ dừng lại ở mức “tiềm năng” và “cân nhắc đầu tư”.

Việt nam thăng hạng tín nhiệm, liệu đã nên “ăn mừng”?
 Sức hút của nền kinh tế Việt Nam trên thị trường quốc tế ngày càng tăng cao và TTCK là một trong những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp và nhanh nhất.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Mối ràng buộc đặc biệt đối với ghế sếp ngân hàng quốc doanh
* Không quân Trung Quốc diễn tập chiến đấu trên không lớn chưa từng có
* Cái ốc vít - chuyện không hề nhỏ?
* Lao động Việt, Indonesia, Myanmar…là “nô lệ hiện đại” trong nhà máy Malaysia
* Thăng hạng tín nhiệm: Chứng khoán hưởng lợi, rồi sao?

Khối phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (RongViet Research) vừa công bố báo cáo cho nhà đầu tư, trong đó đề cập tới câu chuyên xếp hạng tín nhiệm và những lợi ích đạt được với Việt Nam.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín là S&P Rating, Moody’s Rating và Fitch Rating đều đưa ra những đánh giá tích cực về nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, hồi đầu năm, Fitch Ratings nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ mức “ổn định” lên “tích cực” tuy vẫn giữ nguyên xếp hạng ở mức B+. Đến cuối tháng 7 vừa qua, Moody’s Rating cũng nâng mức tín nhiệm của trái phiếu Chính phủ lên 1 bậc, từ mức B2 lên B1 với triển vọng “Ổn định”. Trong khi đó, tuy vẫn giữ nguyên mức xếp hạng nhưng S&P Rating cũng đánh giá tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam vẫn ở mức cao. Và mới đây nhất, Fitch Ratings cũng cho biết có thể nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức B+ lên mức BB- trong thời gian tới nhờ hệ thống tài chính ngày càng lành mạnh.

Nhìn chung, những lý do để Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm chủ yếu đến từ những cải thiện đáng kể trong kinh tế vĩ mô như lạm phát giảm, tỷ giá ổn định, thặng dư thương mại duy trì ở mức cao, vốn FDI tiếp tục mở rộng với những dự án có quy mô lớn. Đặc biệt là chính sách nới lỏng tiền tệ dựa trên nền tảng lãi suất thấp của Chính phủ được các tổ chức này đánh giá cao.  

Ngoài ra, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm giảm 19 điểm cơ bản về mức 5,73% (12/09), mức thấp nhất  kể từ năm 2006 cũng là thông tin hỗ trợ tích cực cho thị trường Việt Nam. Những thông tin này sau đó cũng đã được phản ánh rõ nét trên thị trường chứng khoán (TTCK), đặc biệt trong giai đoạn tháng 7 và 8, hai chỉ số VN-Index và HN-Index tăng lần lượt 10,13% và 11% với thanh khoản trung bình 2 sàn luôn trên mức 2.500 tỷ đồng/phiên. 

Việt nam thăng hạng tín nhiệm, liệu đã nên “ăn mừng”?

Theo Rồng Việt, những đánh giá tích cực từ các tổ chức xếp hạng uy tín, đi cùng với việc tăng 2 hạng trong bảng xếp hạng  năng lực cạnh tranh của Việt Nam cho thấy sức thu hút của nền kinh tế Việt Nam trên thị trường quốc tế ngày càng tăng cao và TTCK là một trong những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp và nhanh nhất.

Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng lưu ý rằng, những đánh giá trên vẫn chưa thực sự mang lại nhiều lạc quan khi đặt Việt Nam trên bàn cân cùng nhiều nước khác trong khu vực. 

Trong bảng xếp hạng của ba tổ chức đối với một số quốc gia trong khu vực Châu Á, gần như chỉ còn Việt Nam chưa đạt được mức xếp hạng “Đầu tư”, trong số những quốc gia còn lại, Indonesia và Philippines  nằm ở mức thấp nhất của tầng “Đầu tư”. 

Việt nam thăng hạng tín nhiệm, liệu đã nên “ăn mừng”?

Mức tín nhiệm thấp cũng là lý do khiến lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Việt Nam bị đặt ở mức cao hơn so với với khu vực còn lại (5,72%), chỉ thấp hơn Indonesia (7,94%). Do vậy, Chính phủ Việt nam cần phải nỗ lực hơn nữa để được nâng lên hạng mức này bởi lẽ đây là mức sàng lọc thông dụng của nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài, đồng thời giảm cách biệt với các nước khác trong khu vực.

Nhìn trên khía cạnh tích cực, Rồng Việt cho rằng, việc nâng bậc tín nhiệm sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam hạ lãi suất TPCP, mở đường cho Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế giá trị khoảng 1 tỷ USD để đảo nợ  trong năm sau. Ngoài việc Chính phủ có thể giảm bội chi ngân sách từ việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư giá rẻ hơn thì các doanh nghiệp trong nước cũng được hưởng lợi từ việc giảm chi phí vốn trong những lần phát hành trái phiếu ra nước ngoài.

Tóm lại, mặc dù viễn cảnh tốt đẹp hơn cho nền kinh tế đang mở ra trước mắt, tuy nhiên vị trí thấp đi kèm với việc thăng hạng còn chậm, thị trường Việt Nam hiện nay trong mắt nhà đầu tư ngoại vẫn chỉ dừng lại ở mức “tiềm năng” và “cân nhắc đầu tư”. 

Do đó, để nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam trên trường quốc tế, Chính phủ cần phải có những chính sách điều hành hiệu quả hơn với độ trễ thấp và việc xúc tiến đàm phán các Hiệp định thương mại như TPP, FTA là bước tiến gần nhất mà Việt Nam cần đạt được trong tương lai gần.

Mai Chi
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”