Việt Nam tăng nhập thuốc sâu từ Trung Quốc

(Dân trí) - Ngoài con số 1/4 hàng hoá, linh phụ kiện cho sản xuất tại Việt Nam được nhập từ Trung Quốc, mới đây Tổng cục Hải quan cho biết, gần 55% kim ngạch thuốc trừ sâu và nguyên liệu thuốc trừ sâu nhập về Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, tỷ lệ này gia tăng so với năm trước.

Theo con số thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2017 cả nước đã chi hơn 498 triệu USD (11.300 tỷ đồng) nhập khẩu thuốc trừ sâu, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập thuốc trừ sâu tăng rất mạnh

Cụ thể, trong các thị trường nhập khẩu thuốc trừ sâu của Việt Nam, Trung Quốc chiếm hơn 55% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này, trị giá hơn 273 triệu USD, chiếm 55% tổng kim ngạch nhập thuốc trừ sâu 6 tháng đầu năm của Việt Nam.

Việt Nam đang chi nhập khẩu thuốc sâu lớn từ Trung Quốc
Việt Nam đang chi nhập khẩu thuốc sâu lớn từ Trung Quốc

Tính bình quân, Việt Nam chi khoảng hơn 1.000 tỷ đồng/tháng và mỗi ngày người Việt phải chi hơn 34 tỷ đồng để để nhập thuốc trừ sâu Trung Quốc. Đây là con số lớn hơn số với số tiền bình quân Việt Nam bỏ ra để nhập khẩu các sản phẩm như: hoa quả, bánh kẹo, ngũ cốc và sữa.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ sâu từ Trung Quốc 6 tháng qua đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng năm 2016, Việt Nam chỉ phải chi 21 tỷ đồng/ngày để nhập mặt hàng thuốc trừ sâu từ Trung Quốc, nhưng sang năm nay, số chi bình quân này đã tăng thêm lên 13 tỷ đồng/ngày (34 tỷ đồng).

Đáng nói, số kim ngạch nhập khẩu này ở diện chính ngạch, chưa có thống kê lượng hàng nhập khẩu diện tiểu ngạch (nhỏ lẻ, giữa các thương nhân và cư dân hai bên biên giới).

Theo nhiều chuyên gia ngành bảo vệ thực vật Việt Nam, những năm trước, bao bì, vỏ thuốc trừ sâu Trung Quốc xuất hiện rất nhiều ở các cánh đồng tại Việt Nam, dù hiện tượng này đến nay đã giảm song không đáng kể. Không chỉ đi vào Việt Nam bằng con đường nhập khẩu sản phẩm trực tiếp, các đối tác Trung Quốc còn xuất khẩu nguyên liệu thuốc trừ sâu sang Việt Nam qua các đối tác, doanh nghiệp (DN) Việt để sản xuất, bào chế ra các sản phẩm trong nước.

Điều này cũng xuất phát từ nguyên nhân các DN, nhà sản xuất thuốc trừ sâu, bệnh và bảo vệ thực vật trong nước vẫn chưa tự chủ được các loại thuốc dành cho ngành nông nghiệp. Trong khi đó, do khí hậu nhiệt đới cận xích đạo, với hai miền bắc - nam khác nhau nên sâu bệnh tại Việt Nam tương đối nhiều, đa dạng.

Nền nông nghiệp phụ thuộc thuốc trừ sâu

Trong năm 2016, Việt Nam đã phải chi hơn 16.500 tỷ đồng nhập thuốc trừ sâu, trong đó kim ngạch nhập mặt hàng này từ Trung Quốc chiếm 50%, khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Con số nhập mặt hàng này trong năm 2015 cũng trên 16.700 tỷ đồng, Trung Quốc cũng chiếm một nửa, khoảng 8.600 tỷ đồng.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV - Bộ NN&PTNT), hiện 99% lượng thuốc trừ sâu ở Việt Nam phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó 100% thuốc trừ sâu đó là có nguồn gốc hoá học đều phải nhập khẩu; số thuốc trừ sâu sinh học tại Việt Nam còn lại được điều chế từ các chế phẩm sinh học, thảo mộc do các DN trong nước sản xuất.

Ngoài thị trường Trung Quốc, Việt Nam còn nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu tại nhiều thị trường như Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản và Thái Lan.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu về 4.100 loại thuốc trừ sâu, thuộc 1.643 hoạt chất khác nhau. Trong khi đó, nhiều loại thuốc trừ sâu diệt cả những loài thiên địch của sâu bệnh - loại côn trùng có lợi cho mùa màng, cây trồng: như ong, nhện, kiến và thuỷ sản nước ngọt..

Trong khi Việt Nam tăng cường nhập khẩu các sản phẩm thuốc trừ sâu, thì nước sản xuất thuốc trừ sâu lớn, nhà xuất khẩu thuốc trừ sâu lớn nhất thế giới và cả cho Việt Nam lại siết chặt hoạt động sản xuất thuốc trừ sâu.

Bằng chứng là năm từ năm 2016, Trung Quốc có sắc lệnh về “Quy chế quản lý thuốc trừ sâu”, trong đó quy định các DN sản xuất và nhập khẩu thuốc trừ sâu phải đăng ký và có giấy phép từ cơ quan quản lý nông nghiệp. Các sản phẩm thuốc trừ sâu phải vượt qua được các bài kiểm tra chất lượng trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Nước này cũng đang hỗ trợ thuế, đăng ký sở hữu trí tuệ, hỗ trợ giá cho nhiều sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học, có lợi cho môi trường, cây trồng.

Nguyễn Tuyền