Việt Nam sẽ nhập khẩu... cà phê?
Giá cà phê trong nước đã tăng đến mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Chuyện tưởng như đùa sắp xảy ra là dù Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng nhiều doanh nghiệp tuyên bố sẽ phải nhập khẩu cà phê.
Giá mua cao hơn giá bán
Mặc dù tại Tây Nguyên đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa nhưng tình hình khô hạn vẫn chưa chấm dứt, lượng cà phê trong nước cũng đã cạn kiệt do đang ở thời điểm cuối vụ đã khiến giá cà phê liên tục tăng. Ngày 16/5, giá cà phê Robusta loại 1 mua vào ở Đắk Lắk và Lâm Đồng đã lên đến 16.200 đồng/kg, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Với giá này, sau khi qua rang, giá cà phê sẽ lên khoảng 20.000 đồng/kg, tức khoảng hơn 1.200 USD/tấn.
Dù giá cà phê xuất khẩu liên tục tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức giá này (giá cà phê Robusta loại 2,5% hạt đen, vỡ giao tại cảng Sài Gòn từ 980-1.010 USD/tấn, tăng khoảng 160-170 USD/tấn so với đầu tháng 4/2005). Trong khi đó, do thời tiết ở Braxin thuận lợi cho sự phát triển của vụ mùa, giá cà phê Arabica trên thị trường thế giới cũng đang giảm. Giá cà phê Robusta tại Indonesia ngày 18.5 là 1.060 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn so với một ngày trước đó.
Tương tự, giá cà phê ngày 18/5 tại Singapore là 1.080 USD/tấn. Việc giá cà phê trong nước cao một cách bất thường, cao hơn cả giá cà phê trên thị trường thế giới trong những ngày qua đã ảnh hưởng rất mạnh đến các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê bởi lẽ họ không thể "mua đắt - bán rẻ".
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tấn Giác - Giám đốc Công ty Cà phê Thu Hà cho biết: "Giá cà phê hiện nay đang bị thả nổi và nằm trong sự chi phối của các đại lý thu mua, tình trạng đầu cơ nâng giá này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu và chế biến. Công ty chúng tôi vừa chào giá với khách hàng Nhật Bản thì nửa tháng sau, khi đối tác bên đó chuẩn bị đặt hàng thì giá trong nước lại thay đổi, chúng tôi buộc phải ngưng hợp đồng".
Một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê bức xúc: "Giá cà phê bán ra nước ngoài đang rẻ hơn giá mua trong nước. Vì vậy, nếu cứ cái đà ghìm giữ hàng và tăng giá bán như hiện nay thì chúng tôi phải tính đến chuyện nhập khẩu từ nước ngoài. Đây cũng là một biện pháp nhằm bình ổn giá cà phê thu mua trên thị trường và hạn chế nạn đầu cơ giá. Nếu không có bàn tay điều tiết từ Nhà nước thì các doanh nghiệp phải tự cứu mình".
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Công Khôi Vĩ - Đại diện Công ty Kinh doanh cà phê đa quốc gia Olam tại Việt Nam cho rằng: "Việc nhập khẩu cà phê rất có khả năng xảy ra, một khi giá cà phê trong nước tiếp tục cao hơn giá thế giới, sản lượng cạn kiệt và chất lượng lại kém hơn cà phê Indonesia đang vào vụ thu hoạch".
Theo Thanh niên