Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu từ Lào
(Dân trí) - Năm 2013, với mức tăng đột biến về trị giá hàng hóa nhập khẩu từ Lào (tăng 50,4% so với 2012), mức nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Lào lên đến 245 triệu USD, cao gấp 1,5 lần so năm trước đó.
Gỗ và sản phẩm gỗ là nhóm hàng chính mà các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu có xuất xứ từ Lào trong những năm qua (Ảnh minh họa: Cửa khẩu Lao Bảo)
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Việt Nam luôn ở trong tình trạng nhập siêu với mức thâm hụt khá cao trong quan hệ trao đổi buôn bán hàng hóa với quốc gia láng giềng này.
Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, trong năm 2013, với mức tăng đột biến về trị giá hàng hóa nhập khẩu từ Lào (tăng 50,4% so với năm 2012), mức nhập siêu tăng lên đến 245 triệu USD, cao gấp 1,5 lần so với mức 23,3 triệu USD của 1 năm trước đó.
Trong 9 tháng tính từ đầu năm 2014, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam – Lào đạt 964 triệu USD, tăng mạnh 37,3% so với cùng thời gian năm 2013. Trong đó, trị giá xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Lào đạt 330 triệu USD, tăng 6,9% và nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Lào của các doanh nghiệp Việt Nam đạt 634 triệu USD, tăng mạnh 61,8% so với cùng kỳ của một năm trước đó.
Do vậy, mức nhập siêu của Việt Nam trong buôn bán với Lào trong 9 tháng tính từ đầu năm 2014 lên đến con số 303,8 triệu USD, chiếm 91,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Lào.
Diễn biến xuất nhập khẩu và cán cân thương mại Việt Nam-Lào trong giai đoạn 2011-2013 và 9 tháng tính từ đầu năm 2014 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Về xuất khẩu, theo số liệu thống kê đã công bố của Tổng cục Hải quan Việt Nam, quy mô sản xuất của Việt Nam sang thị trường tiềm năng này vẫn còn rất nhỏ bé.
Trong năm 2013, Lào là thị trường xếp thứ 33 trong khoảng 200 thị trường xuất khẩu của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu là 423 triệu USD, tăng 0,4% so với năm 2012.
Xét trong nội khối Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thì xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Lào chỉ cao hơn xuất khẩu sang thị trường Myanmar và Brunây.Trong 9 tháng tính từ đầu năm 2014, các thứ hạng này lần lượt là 37/200 và 7/9.
Mặt hàng chính mà các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Lào trong 9 tháng tính từ đầu năm 2014 bao gồm: sắt thép các loại (đạt 63 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước); xăng dầu các loại (đạt 55 nghìn tấn, giảm 23,6% và trị giá đạt gần 56 triệu USD, giảm 24%); linh kiện và phụ tùng xe máy (đạt 30 triệu USD, tăng 26,8%)…
Về nhập khẩu, Lào là thị trường xếp thứ 28 trong các thị trường cung cấp hàng hóa cho Việt Nam năm 2013 với tổng trị giá nhập khẩu là 668 triệu USD. Xét trong nội khối ASEAN thì Lào xếp thứ 6 (tăng 2 bậc so với năm 2012) và chiếm 3,13% trị giá nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia thành viên ASEAN vào Việt Nam.
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, gỗ và sản phẩm gỗ là nhóm hàng chính mà các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu có xuất xứ từ Lào trong những năm qua, tính chung chiếm trên 60% tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này. Trong 9 tháng tính từ đầu năm 2014, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng lớn nhất này có xuất xứ từ Lào đạt 490 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013.
Bích Diệp