Việt Nam cần ít nhất 2 triệu doanh nghiệp để "lật ngược thế cờ"
(Dân trí) - Nền kinh tế còn hàng loạt điểm nghẽn như bội chi cao, nợ công tăng nhanh, tổng cầu tăng chậm... trong khi đó sức khoẻ doanh nghiệp còn yếu kém, khả năng cạnh tranh thấp và vẫn đang "loay hoay" lựa chọn con đường trong bối cảnh hội nhập.
Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015 chính thức được khai mạc sáng nay (27/8) tại Thanh Hoá với chủ đề “Kinh tế Việt Nam - Hội nhập và phát triển bền vững”.
Doanh nghiệp vẫn "loay hoay" hội nhập
Đóng góp tham luận lần này, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ký kết và thực thi nhiều hiệp định mở cửa thương mại quan trọng, trong đó đáng kể là Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Sắp tới đây sẽ là những FTA thế hệ mới với một loạt các đối tác thương mại hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU… được ký kết.
Các Hiệp định này mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế với các đối tác thương mại lớn. Đồng thời thông qua việc thực thi các cam kết trong đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng được cải thiện mạnh mẽ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tự do sáng tạo, kinh doanh, làm giàu cho mình và cho đất nước.
Mặc dù vậy, theo ông Tuấn, có một thực tế đầy lo ngại là dường như những lợi ích tiềm tàng to lớn từ những Hiệp định, thỏa thuận thương mại này đã chưa được hiện thực hóa bao nhiêu trên thực tế. Ở thị trường xuất khẩu, chỉ mới khoảng 30% hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA. Trong khi đó thị trường nội địa lại chứng kiến sự đổ bộ nhanh chóng của hàng hóa, dịch vụ nước ngoài.
"Dường như doanh nghiệp Việt Nam sau hai thập kỷ hội nhập tính từ thời điểm gia nhập ASEAN đến nay vẫn đang loay hoay, lúng túng trong việc tìm ra cách thức để hội nhập hiệu quả", ông Tuấn lo ngại.
Ông cho rằng, từ góc độ khác, sự hỗ trợ từ Nhà nước là rất cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam, vốn còn nhỏ bé, non trẻ và yếu ớt trong cuộc chơi với các đối thủ sừng sỏ, dày dạn kinh nghiệm, có thể tồn tại, lớn lên kiên cường và cạnh tranh sòng phẳng trong nền kinh tế toàn cầu hóa này.
Theo đó, doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ về cơ chế để có các tổ chức đại diện mạnh và hiệu quả, Chính phủ và Quốc hội nên có các biện pháp nhằm tạo ra môi trường, cơ chế để các hiệp hội doanh nghiệp có không gian phát triển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần Nhà nước thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan tới cam kết hội nhập.
“Các FTA thế hệ mới sẽ là một động lực mới, mang theo những cơ hội chưa từng có cho kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ phải là những người đầu tiên cần thay đổi, cải thiện năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải làm nhiều việc để doanh nghiệp giúp doanh nghiệp vững chãi trên con đường hội nhập” – ông Tuấn kết luận.
Cần ít nhất 2 triệu doanh nghiệp để “lật ngược thế cờ”
Trong tham luận gửi Diễn đàn kinh tế mùa thu 2015, ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm CLB Các nhà Kinh tế (VEC) cho rằng, tư duy kinh tế dựa vào phát triển theo chiều rộng, dựa trên thâm dụng vốn (đầu tư bằng tăng trưởng tín dụng) bất kể ngắn hạn hoặc dài hạn; đầu tư dựa trên sử dụng các doanh nghiệp nhà nước làm chủ lực… không còn phù hợp trong tình hình hiện nay.
Ông Thành nêu ra hàng loạt những "điểm nghẽn" của nền kinh tế như: bội chi ngân sách còn cao, nợ công tăng nhanh, tổng cầu tăng chậm, nợ xấu còn cao, xử lý chậm, thị trường chứng khoán phát triển chưa vững chắc, thị trường bất động sản phục hồi chậm, tỷ trọng xuất nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn thấp...
"Tỷ lệ trả nợ trực tiếp từ ngân sách của Chính phủ hiện đang ở mức 14,2%. Nhưng nếu tính cả phần vay đáo nợ, con số này hiện đang ở mức 26,2% GDP. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore, Myanmar…" - ông Thành nói.
Ông Thành cho biết, công cuộc đổi mới nền kinh tế Việt Nam từ sau Đại hội Đảng lần VI năm 1986 đã tạo ra những chuyển động ấn tượng bước đầu trong tiến trình xây dựng đất nước sau chiến tranh. Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó nổi lên vấn đề “sức khỏe” doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp được thành lập, nhưng chỉ có khoảng 400.000 doanh nghiệp hoạt động. Tỷ lệ này quá thấp so với dân số trên 90 triệu và cũng quá thấp so với các nước, vùng lãnh thổ như Mỹ, Đài Loan, Thái Lan, Israel, Nhật.
“Kinh nghiệm thế giới cho thấy để nền kinh tế có thể cất cánh, các nước cần ít nhất đội ngũ doanh nghiệp tương đương trên 2% dân số. Theo thông lệ này, Việt Nam cần ít nhất 2 triệu doanh nghiệp hiệu quả, trong khi chúng ta mới chỉ có khoảng 400 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động” – Chủ nhiệm VEC nói thêm.
Theo ông Thành, để ưu tiên phát triển các thành phần kinh tế khác, Nhà nước sẽ tập trung triệt để đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay doanh nghiệp nhà nước đang chiếm gần 40% vốn sở hữu của nền kinh tế; nhiều doanh nghiệp hoạt động (do cơ chế) không năng động và hiệu quả thấp nên việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, thay vì Nhà nước đầu tư thì nên đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài để thu hút vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý. Hiện nay đầu tư nước ngoài đang chiếm khoảng 20% vốn đầu tư của cả nước và trên 30% kim ngạch xuất khẩu. Còn 50% khu công nghiệp chưa được lấp đầy, nên những lợi thế để thu hút đầu tư Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Phương Dung