1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Vì sao Việt Nam vẫn phải liên tục nhập xăng dầu thành phẩm?

(Dân trí) - Với tình hình cân đối cung cầu xăng dầu hiện tại thì mỗi năm thị trường Việt Nam vẫn đang thiếu hụt trung bình khoảng 0,8 triệu tấn xăng và 1,8 triệu tấn dầu DO. Nguồn xăng dầu thiếu hụt này sẽ được nhập khẩu về Việt Nam từ các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tuy là quốc gia xuất khẩu dầu thô nhưng Việt Nam vẫn phải nhập xăng dầu thành phẩm từ các nước về tiêu thụ (ảnh minh họa)
Tuy là quốc gia xuất khẩu dầu thô nhưng Việt Nam vẫn phải nhập xăng dầu thành phẩm từ các nước về tiêu thụ (ảnh minh họa)

Một báo cáo được Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) công bố hôm qua (26/6) cho hay, với sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước từ năm 2018 đến năm 2022 trung bình đạt khoảng 6,5 triệu tấn xăng và 8,5 triệu tấn dầu DO.

Trong khi đó, với công suất thiết kế của nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất và Nghi Sơn hiện tại thì từ năm 2018 tổng nguồn cung xăng của cả nước khoảng gần 6 triệu tấn/năm và tổng nguồn cung dầu khoảng gần 7 triệu tấn/năm (tương ứng khoảng 92% và 82% nhu cầu nội địa).

Như vậy, với tình hình cân đối cung cầu xăng dầu hiện tại thì mỗi năm thị trường Việt Nam vẫn đang thiếu hụt trung bình khoảng 0,8 triệu tấn xăng và 1,8 triệu tấn dầu DO. Nguồn xăng dầu thiếu hụt này sẽ được nhập khẩu về Việt Nam từ các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Bảng cân đối cung cầu xăng dầu thị trường Việt Nam trung bình từ năm 2018 đến năm 2022 - Nguồn: BSR.
Bảng cân đối cung cầu xăng dầu thị trường Việt Nam trung bình từ năm 2018 đến năm 2022 - Nguồn: BSR.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 5/2017 của Việt Nam đạt 1,12 triệu tấn, trị giá 551 triệu USD, tăng 6,9% về lượng và tăng 1,5% về trị giá so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu xăng dầu các loại trong 5 tháng/2017 đạt gần 5,1 triệu tấn, trị giá gần 2,7 tỷ USD, giảm 4,6% về lượng, nhưng tăng 30,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xăng dầu các loại được nhập khẩu về Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017 chủ yếu có xuất xứ từ Singapore với 2,12 triệu tấn, trị giá 1,05 tỷ USD, giảm 0,6% về lượng nhưng tăng 34,8% về trị giá. Xuất xứ từ Hàn Quốc với 1,2 triệu tấn, trị giá 728 triệu USD, tăng 74,6% về lượng, tăng 111,8% về trị giá. Xuất xứ Malaysia đạt hơn 1 triệu tấn, trị giá 465 triệu USD, giảm 33% về lượng và giảm 14,9% về trị giá...

Trước đó, vào năm 2009, NMLD Dung Quất đi vào hoạt động với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xăng dầu nội địa (cung cấp khoảng 2,7 triệu tấn xăng và hơn 3 triệu tấn dầu DO).

Theo kế hoạch, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại vào năm 2018, với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm dự kiến cung cấp khoảng 8,75 triệu tấn sản phẩm các loại, đáp ứng khoảng 40% thị trường nội địa (cung cấp khoảng 2,3 triệu tấn xăng và 3,67 triệu tấn dầu DO).

Ngoài ra, các nhà máy Condensate như PVOIL Phú Mỹ, Sài Gòn Petro, Nam Việt Oil, Đông Phương có công suất thiết kế khoảng 690.000 tấn xăng/năm.

Bích Diệp