Vì sao Trung Á ngày càng lo sợ các khoản đầu tư từ Trung Quốc?
(Dân trí) - Cho đến nay, các chính phủ ở Trung Á vẫn đang kiểm soát các phản ứng chống Trung Quốc tại địa phương. Nhưng sự đẩy lùi tạm thời này có thể vẫn là mối đe dọa đối với chương trình nghị sự kinh tế của Trung Quốc và về lâu dài có thể làm suy yếu lợi ích của Bắc Kinh tại khu vực này.
Tại Kazakhstan, việc xây dựng các nhà máy của Trung Quốc đã tạo nên một loạt các nỗi lo sợ, như là một phần phản ứng dữ dội của toàn cầu trong việc gia tăng chống lại các khoản đầu tư của Trung Quốc.
Các quốc gia Trung Á như Kazakhstan đang nằm bên bờ vực sụp đổ của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) – một sáng kiến xây dựng các cơ sở hạ tầng và kế hoạch phát triển mang thương hiệu của Trung Quốc mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố tại thủ đô Kazakhstan năm 2013.
Các quan chức Kazakhstan thường nói rằng, đất nước của họ đang bị “khóa cứng” trong vành đai của người Trung Quốc – theo nhiều tài liệu tham khảo về các dự án cơ sở hạ tầng trên đất liền mà BRI nối liền châu Âu và châu Á.
Các kế hoạch của Trung Quốc vấp phải sự phản đối của các địa phương
Trung Á đang là một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược quốc gia của Trung Quốc. Các học giả nổi tiếng như Wang Jisi tại Đại học Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc đang dần mở rộng sự ảnh hưởng về phía Tây và chú ý đến khu vực này để duy trì sự ổn định ở các vùng biên giới của Tây Tạng và Tân Cương. Trong đó, Kazakhstan và các quốc gia láng giềng Tajikistan, Kyrgyzstan có chung đường biên giới dài 2.050 dặm với Tân Cương.
Nhưng các hành động của Bắc Kinh có vấp phải sự phản đối của các đối tác quan trọng này không? Các nhà phân tích cho rằng đang có một sự gia tăng các phản ứng chống Trung Quốc ở Trung Á sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng một bức tường sắt vào năm 2017 để chống lại tình trạng bất ổn ở Tân Cương - một cửa ngõ chính cho các dự án BRI.
Khi Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn, một số nhà phân tích lo ngại rằng, Bắc Kinh sẽ xem xét lại các thỏa thuận biên giới với Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan.
Theo Bộ Phát triển Khu vực Kazakhstan, năm 2014, 32 công dân Trung Quốc đã thuê khoảng 4.750 ha diện tích đất của quốc gia này. Tiếp theo đó, những lo ngại của địa phương về quyền sử dụng đất đã bùng lên vào năm 2016 khi chính phủ đề xuất sửa đổi luật đất đai để cho phép người nước ngoài thuê các mảnh đất nông nghiệp trong tối đa 25 năm. Sau các cuộc biểu tình, chính phủ Kazakhstan đã tạm gác việc sửa đổi.
Ký ức về sự nhượng bộ lãnh thổ là một điều đau đớn đối với các quốc gia này. Mặc dù chính phủ Kazakhstan tuyên bố quốc gia này không mất bất cứ thứ gì, nhưng các nhà phê bình của chính phủ Kazakhstan đã phản bác rằng nước này đã mất mát một phần lãnh thổ vốn là đất của Kazakhstan ngay từ đầu.
Năm 2011, Tajikistan đã phê chuẩn một thỏa thuận năm 1999 để nhượng lại 122 km2 trên dãy núi Pamir cho Trung Quốc, chấm dứt một cuộc tranh chấp kéo dài 130 năm. Vài ngày sau đó, chính phủ Tajikistan tuyên bố kế hoạch đưa 1.500 nông dân Trung Quốc trồng lúa trên 2.000 ha đất của nước này - diện tích đáng kể ở một đất nước chỉ có 6% đất đai là nông nghiệp.
Đầu tư của Trung Quốc thiếu minh bạch làm mất lòng tin ở các địa phương
Trong số 68 quốc gia liên quan đến BRI, 23 quốc gia có tỷ lệ nợ rủi ro cao, bao gồm Tajikistan và Kyrgyzstan. Bắc Kinh hiện chiếm khoảng một nửa số nợ nước ngoài của Haiti, 4 tỷ USD - một gánh nặng lớn cho quốc gia với GDP hàng năm chỉ là 7 tỷ USD.
Không giống như Kazakhstan, nơi có thể duy trì các khoản nợ cao với doanh thu được tạo ra từ ngành năng lượng, Tajikistan và Kyrgyzstan nghèo tài nguyên có nguy cơ vỡ nợ cao hơn.
Làm thế nào Trung Á chi số tiền này cũng được xem xét kỹ lưỡng. Ở Tajikistan, phần lớn số tiền vay từ Trung Quốc đã dành cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản như đường sá và đường hầm - nhưng một tòa nhà quốc hội mới, trị giá 230 triệu USD dường như chỉ mang lại lợi ích cho giới tinh hoa địa phương. Để trả khoản nợ 300 triệu USD, Tajikistan đã trao quyền sở hữu cho Trung Quốc đối với một mỏ vàng sinh lợi. Gần một nửa số nợ nước ngoài trị giá 2,9 tỷ USD của Tajikistan - khoảng 1,38 tỷ USD là thuộc về chủ nợ Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo của Kyrgyzstan đã trao một hợp đồng trị giá 386 triệu USD cho một công ty Trung Quốc vào năm 2013, gây ra một vụ bê bối tham nhũng dẫn đến việc bắt giữ hai cựu thủ tướng. Người biểu tình ở Kyrgyzstan đã yêu cầu sự giám sát kỹ lưỡng hơn đối với các doanh nghiệp do Trung Quốc tài trợ và sự phù hợp của các khoản vay. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu chính quyền địa phương sẽ đàn áp những cuộc biểu tình này hay tìm kiếm những cách thức mới để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Cho đến nay, các chính phủ ở Trung Á vẫn đang kiểm soát các phản ứng chống Trung Quốc tại địa phương. Nhưng sự đẩy lùi tạm thời này có thể vẫn là mối đe dọa đối với chương trình nghị sự kinh tế của Trung Quốc và về lâu dài có thể làm suy yếu lợi ích của Bắc Kinh tại khu vực này.
Thùy Dung
Theo The Washington Post