Vì sao thương vụ thâu tóm lớn nhất ngành bán dẫn có nguy cơ đổ bể?
(Dân trí) - Giá thầu 40 tỷ USD để mua lại nhà thiết kế chip Arm có trụ sở tại Anh của Tập đoàn Nvidia đang ngày càng có nguy cơ đổ bể.
Tháng 9 năm ngoái, Tập đoàn Nvidia - chuyên về phát triển bộ xử lý đồ họa (GPU) và công nghệ chipset cho các máy trạm - đã công bố mua lại nhà thiết kế chip Arm từ SoftBank với giá 40 tỷ USD. Đây là một trong những thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.
Thỏa thuận khiến nhiều tập đoàn lớn như Qualcomm, Microsoft, Google, Huawei cho rằng sẽ có hại cho ngành bán dẫn. Các cơ quan quản lý cạnh tranh trên thế giới như Mỹ, Anh, Trung Quốc và châu Âu đã tuyên bố mở cuộc điều tra đối việc mua lại này.
Cuộc điều tra của Anh do Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) dẫn đầu đang tính đến những lo ngại về an ninh quốc gia. Nguồn tin của Bloomberg cho biết, Vương quốc Anh có khả năng tiến hành xem xét sâu hơn về vụ sáp nhập này do lo ngại về an ninh quốc gia.
Theo CNBC, không rõ là an ninh quốc gia của Anh sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu Arm chuyển từ sở hữu của Nhật Bản sang sở hữu của Mỹ, nhưng các chính phủ đang coi ngành công nghệ bán dẫn là một tài sản thiết yếu trong bối cảnh khủng hoảng chip toàn cầu.
Một phát ngôn viên của Nvidia nói với CNBC rằng: "Chúng tôi đang tiếp tục làm việc thông qua trình quản lý với Vương quốc Anh. Chúng tôi đang chờ các câu hỏi của họ và giải quyết bất kỳ vấn đề nào mà họ đặt ra".
Thỏa thuận, ban đầu dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 3/2022, cũng đang có nguy cơ bị chặn ở những nơi khác. Vào tháng 6, các luật sư về vấn đề chống độc quyền ở Trung Quốc cho Financial Times biết, cuộc điều tra của Trung Quốc có thể đưa thương vụ này vượt quá thời hạn 18 tháng do Nvidia đưa ra hồi tháng 9/2020.
Các nhà quản lý châu Âu cũng được cho là sẽ miễn xem xét vụ việc cho đến sau kỳ nghỉ hè, theo nguồn tin của Reuters. Và điều này có thể gây khó khăn cho Nvidia để chốt thỏa thuận vào tháng 3 năm sau.
Thỏa thuận mua bán cho phép hai công ty được lựa chọn kéo dài thời hạn hoàn tất hợp đồng đến tháng 9/2022. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, một trong hai công ty có thể hủy bỏ thỏa thuận nếu không được chính phủ chấp thuận.
Arm là ai?
Có trụ sở tại Cambridge (Anh), Arm bán các bản thiết kế và giấy phép bán dẫn cho các nhà sản xuất chip trên thế giới. Arm được xem như một "người chơi trung lập" và đôi khi được gọi là "Thụy Sĩ của ngành công nghiệp chip".
Những nhà sản xuất chip cạnh tranh với Nvidia lo ngại rằng, gã khổng lồ chip có trụ sở tại Santa Clara (California) có thể khiến họ khó tiếp cận công nghệ của Arm hơn.
Mặc dù, Nvidia nhiều lần khẳng định họ sẽ không thay đổi mô hình kinh doanh của Arm và sẽ đầu tư mạnh vào công ty giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng.
Một thương vụ thâu tóm nhà sản xuất chất bán dẫn khác ở Anh cũng đang được xem xét kỹ lưỡng. Thủ tướng Anh vừa lệnh cho cố vấn an ninh quốc gia xem xét việc tiếp quản nhà máy sản xuất bán dẫn lớn nhất nước Anh Newport Wafer Fab. Công ty mua lại Newport Wafer Fab là Nexperia - một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc - với giá 63 triệu bảng (tương đương 88 triệu USD).