Vì sao giá chung cư Hà Nội lại "trên trời"?
Cùng một giá đất, cùng một kiểu dáng, chất lượng và vật liệu xây dựng, một căn hộ chung cư ở TP Huế có giá 4 triệu đồng/m2, trong khi ở Hà Nội giá có thể “đội lên” đến 15 triệu đồng/m2. Mọi người có thể giải thích sở dĩ giá cao như vậy là vì...chung cư Hà Nội, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy.
Nhưng nghịch lý này không hẳn là phát hiện mới của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ sau những chuyến đi khảo sát dọc đất nước. Chỉ có điều, ít người dám “phê” thẳng vào chính sách quỹ nhà ở “lằng nhằng” của TP Hà Nội như ông, góp phần tạo ra nghịch lý giá nhà và khiến cho môi trường đầu tư ở Hà Nội giảm tính hấp dẫn.
Hiện nay, theo quy định đối với các dự án xây nhà chung cư, nhà đầu tư phải cắt lại cho Thành phố 25% quỹ nhà để sung vào quỹ nhà ở xã hội của Thành phố (nhằm bố trí nhà cho diện tái định cư hoặc đối tượng chính sách), phải dành 25% bán theo giá...”chỉ đạo”, chỉ còn lại 50% được phép bán ra thị trường.
Trên thực tế, nhà đầu tư có chịu thiệt? Chỉ nhìn vào số lượng dự án nhà chung cư ở Hà Nội thời gian qua, có thể thấy, Hà Nội vẫn rất “màu mỡ” cho các nhà đầu tư chung cư.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nhà đầu tư đâu có chịu thiệt thòi, mà thiệt thòi là ở những người dân có nhu cầu (thực) mua nhà chung cư để ở, hay những người sử dụng cuối cùng.
Bởi nếu Thành phố “xẻ” bớt một phần lợi nhuận của nhà đầu tư, thì họ cũng sẽ tăng giá ở phần còn lại 50% bán ra thị trường để bù vào phần bị “xẻ” đó. Còn bấy lâu nay, một cơ chế công khai và minh bạch đối với phần quỹ nhà ở xã hội của Thành phố vẫn chỉ là những ý tưởng… trên giấy.
Ông Võ thẳng thắn nhận xét: “Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá nhà chung cư ở Hà Nội cao hơn so với rất nhiều các tỉnh, thành phố khác. Quy định trên của UBND TP Hà Nội là trái pháp luật”.
Phần bị thu lại 25% của các dự án chung cư không dựa trên cơ sở nào, mà chỉ dựa trên biện pháp hành chính. Theo đề xuất của ông Võ, chỉ có thể tính tất cả vào thuế, bởi thuế là môi trường chung cho cả nước.
Để nhà chung cư trở về với giá trị thực, theo ông Võ, cần phải hình thành một thị trường bất động sản công khai, trước hết có lợi cho người tiêu dùng, những người có nhu cầu thực.
Để đạt được mục tiêu đó phải có một số điều kiện: Thứ nhất, chính sách thống nhất; Thứ hai, hệ thống quản lý thống nhất bằng việc hình thành một khung kinh tế vĩ mô về bất động sản để điều tiết, chi phối được thị trường;
Thứ ba, khai thông thị trường vốn và thị trường bất động sản. Vấn đề ở chỗ nước ta chưa có phương thức hữu hiệu để thị trường phát triển lành mạnh.
Chưa hết, theo phản ánh của một số nhà đầu tư xây dựng chung cư, họ còn vấp phải “rào cản” là sự can thiệp quá sâu vào những thiết kế xây dựng cơ bản. Có doanh nghiệp (xin được giấu tên) đấu giá được mảnh đất và thuê một công ty của Pháp thiết kế xây dựng chung cư.
Hồ sơ thiết kế được gửi lên cơ quan chức năng sau 45 ngày (theo luật định) vẫn không nhận được hồi âm. Phía cơ quan chức năng tìm đủ mọi cách gây khó dễ để không phê duyệt hồ sơ thiết kế. Sau đó, qua mai mối, chủ dự án được “gợi ý” phải qua Công ty A, B thuê thiết kế thì… mới được phê duyệt.
Gần đây, một số nhà đầu tư ở Hà Nội được giao đất thông qua hình thức đấu giá có nhu cầu được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất ở sang văn phòng cho thuê hoặc xin thực hiện dự án nhà thông tầng.
Theo ông Đặng Hùng Võ, trường hợp chuyển đổi trên chỉ cần đăng ký chứ không phải xin phép. Có 5 trường hợp chuyển đổi cầu phải xin phép là: Đất chuyên lúa- đất nuôi trồng thuỷ sản và trồng cây lâu năm; rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; đất nông nghiệp- phi nông nghiệp; chuyển đất phi nông nghiệp từ hình thức không thu tiền sang có thu tiền; chuyển từ không phải đất ở sang đất ở.
Những dự án nhà thông tầng không bị xem là hình thức phân lô bán nền, nếu Thành phố duyệt hết cả nhà.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định của Luật Đất đai, giải thích rõ quy định Điều 101, Nghị định 181/2004/NĐ-CP.
Theo đó, trong khu vực thành phố và thị xã thì không được phân lô bán nền mà phải duyệt các dự án cho đến khi xây xong nhà. Còn ngoài thành phố, thị xã thì được duyệt các dự án không cần đến khi xây xong nhà, song phải hoàn thành hạ tầng.
Theo Đầu tư