Vì sao chưa có công ty môi giới tiền tệ?

Tròn 5 năm kể từ khi Ngân hàng Nhà nước “bật đèn xanh” cho việc thành lập công ty môi giới tiền tệ, vẫn chưa có một công ty nào được thành lập, mặc dù tiềm năng và hiệu quả của mô hình này được đánh giá cao...

Vì sao chưa có công ty môi giới tiền tệ? - 1
ảnh minh họa.
 
Theo Quyết định số 351/2004/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, môi giới tiền tệ được xác định “là hoạt động cung ứng dịch vụ của các tổ chức tín dụng để dàn xếp, tạo điều kiện cho các giao dịch bao gồm các giao dịch vay, cho vay, nhận tiền gửi, gửi tiền; mua, bán giấy tờ có giá; mua, bán ngoại tệ và các giao dịch khác giữa các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính nước ngoài, có thu phí môi giới”.

Có môi giới, lợi đủ đường

Theo PGS. TS Lê Hoàng Nga, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán (Uỷ ban Chứng khoán), về bản chất, công ty môi giới tiền tệ đóng vai trò nhà trung gian trên thị trường tiền tệ.

Công ty này sẽ là đầu mối thông tin, cung cấp giá cả, tổng hợp và thông báo cho khách hàng các mức giá chào mua, bán (đối với thị trường ngoại hối) và vay, cho vay (đối với thị trường tiền tệ) cạnh tranh nhất.

Bà Nga cho biết, các ngân hàng sẽ là đối tượng hưởng lợi đầu tiên và trực tiếp bởi thông qua công ty môi giới tiền tệ, các ngân hàng sẽ có thể tham gia giao dịch một cách nhanh nhất và chỉ cần qua một đầu mối là công ty này, ngân hàng sẽ nắm được toàn bộ thông tin về tình hình cung, cầu vốn trên thị trường.

Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của thị trường tiền tệ cũng sẽ được nâng lên một cách đáng kể với phương thức giao dịch tập trung qua các công ty môi giới tiền tệ.

Từ tháng 4/2004, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quy chế về môi giới tiền tệ, chính thức công nhận và đưa vào khuôn khổ hoạt động này trên thị trường tiền tệ. Tại thời điểm đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng, quy chế này sẽ mở đường cho việc thành lập các công ty môi giới tiền tệ.

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng xem đó như một kênh tiếp cận vốn với chi phí thấp ngoài kênh ngân hàng. Nhưng đã tròn 5 năm trôi qua, chưa có một giấy phép nào được cấp, tại sao?

Điều kiện thị trường chưa đủ?

Để được cấp giấy phép hoạt động môi giới tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước quy định các tổ chức tín dụng phải đáp ứng các điều kiện cơ bản như có bộ phận hoặc công ty trực thuộc thực hiện môi giới thuộc tổ chức tín dụng; người quản trị, điều hành của bộ phận hoặc công ty trực thuộc thực hiện môi giới có trình độ chuyên môn về kinh tế, tài chính, ngân hàng phù hợp với hoạt động môi giới; có kiến thức và kinh nghiệm về kiểm soát rủi ro; có phương án thực hiện môi giới khả thi; có hệ thống kiểm soát nội bộ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước...

Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành ngân hàng, việc thành lập một công ty kiểu này không quá khó: vốn không cần quá nhiều vì công ty môi giới hoạt động chủ yếu mang tính dịch vụ; yếu tố công nghệ cũng không phải là trở ngại vì công nghệ này khá phổ biến tại các thị trường tài chính phát triển trên thế giới và việc chuyển giao công nghệ không quá khó.

“Quan trọng nhất là phải tập hợp được một đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm, có uy tín và có chuyên môn trong các loại hình đầu tư. Yêu cầu của hoạt động môi giới là phân tích chính xác khả năng của các nguồn vốn và năng lực của các đối tượng cần vốn; phải nắm được thông tin về cung - cầu trên thị trường vốn để xây dựng công ty thành một đầu mối thông tin tin cậy”, chuyên gia này cho biết.

PGS. TS Lê Hoàng Nga cho rằng mặc dù sự thành lập của các công ty môi giới tiền tệ là tất yếu nhưng do điều kiện thị trường tiền tệ Việt Nam chưa phát triển nên vẫn chưa có sự xuất hiện của công ty này.

Theo bà Nga, các định chế tài chính chưa thật sự chú trọng đến hoạt động môi giới trên thị trường tiền tệ và thị trường liên ngân hàng vẫn còn “trồi sụt”, chưa giải quyết triệt để vốn khả dụng cho các ngân hàng thương mại là hai lý do chính cho việc thiếu vắng công ty môi giới tiền tệ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Đình Song, Trưởng Ban nghiệp vụ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận xét: “Hoạt động môi giới tiền tệ được thực hiện chủ yếu cho các thị trường tiền tệ đã phát triển và tuân theo các quy luật của thị trường trong khi thị trường Việt Nam mới đang ở bước sơ khai”.

Ông Song cũng cho rằng việc thành lập công ty môi giới tiền tệ phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường tiền tệ và khi thị trường phát triển đến một “ngưỡng” nào đó thì sự xuất hiện của các công ty này sẽ là điều tất yếu.

Theo Tuấn Linh
VnEconomy