Vé số rách vẫn được trả thưởng: Bất cập của Bộ Tài chính

Bất cập này của Bộ Tài chính đang dẫn đến cách giải quyết, cách xử lý rất khác nhau của nhiều địa phương. Và không loại trừ là mầm mống cho tiêu cực nảy sinh khi xử lý những trường hợp tương tự.

Như đã đưa tin, Hội đồng giám sát xổ số kiến thiết (XSKT) tỉnh Kiên Giang đã quyết định trả thưởng cho ông Dương Văn Tùng - chủ nhân tờ vé số trúng giải 100 triệu đồng bị rách đôi.

 

Tại cuộc họp hôm 28/4, có 9/10 ý kiến đồng ý trả vì cho rằng công văn số 4731 ngày 16/4 của Bộ Tài chính gửi Công ty XSKT Kiên Giang với nội dung chỉ đạo công ty trả thưởng cho ông Tùng. Trước đó, chính Hội đồng giám sát (chiều ngày 31/3) với đa số phiếu không đồng ý trả thưởng...

 

Văn bản pháp luật không thể dùng những cụm từ như “xem xét”, “có thể” một cách chung chung được, mà cần quy định rõ “có” hoặc không”.
Vé số rách vẫn được trả thưởng: Bất cập của Bộ Tài chính

 

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN ngày 23/4, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - ngân hàng, người ký văn bản của Bộ đã phân bua là Bộ chỉ đề nghị Công ty XSKT Kiên Giang xem xét lại chứ không ép trả thưởng cho ông Tùng.

 

Thế nhưng, theo một lãnh đạo Công ty XSKT Kiên Giang thì đây là văn bản chỉ đạo vì trong công văn ghi rõ: “Bộ Tài chính trả lời đối với trường hợp vé trúng thưởng bị rách của ông Dương Văn Tùng để Công ty XSKT Kiên Giang biết và triển khai thực hiện”.

 

Việc Hội đồng giám sát XSKT tỉnh Kiên Giang quyết định trả thưởng cho ông Tùng chỉ vì sức ép của Bộ Tài chính, không dựa vào các quy định của Luật Khiếu nại có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2012, khi Công ty XSKT Kiên Giang không có văn bản đề nghị, ông Tùng cũng không có đơn gửi tới Hội đồng đề nghị xem xét lại là tùy tiện và rất đáng chê trách, tạo tiền lệ xấu nếu có với những trường hợp tương tự xảy ra.

 

Bộ Tài chính trong việc này, cũng có sự bất nhất. Ban hành văn bản hướng dẫn (Thông tư 65) một đường, nhưng chỉ đạo một nẻo, gây khó cho doanh nghiệp và địa phương.

 

Bất cập này của Bộ Tài chính đang dẫn đến cách giải quyết, cách xử lý rất khác nhau của nhiều địa phương. Và không loại trừ là mầm mống cho tiêu cực nảy sinh khi xử lý những trường hợp tương tự. Được biết, cả nước hiện có 17/21 công ty XSKT không trả thưởng cho khách hàng vì vé số rách hoặc bị nhàu nát như trường hợp của ông Tùng.

 

Ví dụ, trường hợp vé số bị rách của ông Nguyễn Văn Thừa ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu mua của Công ty XSKT An Giang mở thưởng vào ngày 27.9.2012 trúng giải 100 triệu đồng không được công ty trả thưởng, vì không đủ điều kiện. Nếu công ty trả thưởng thì trái với tinh thần của Thông tư 65 và trái với quy định mà công ty đã ghi rõ ở mặt sau tờ vé số.

 

Nhưng ngược lại, cũng không ít công ty XSKT đã xem xét cân nhắc trả thưởng cho chủ nhân những tờ vé số rách, trái với quy định mà Thông tư 65 hướng dẫn và công ty XSKT quy định tại mặt sau tờ vé số.

 

Xét cho cùng, Thông tư 65 của Bộ Tài chính hướng dẫn đang có một lỗ hổng lớn làm những người thực thi vừa không biết “đường nào mà lần” vừa có thể lợi dụng để... tiêu cực. Một văn bản pháp luật không thể dùng những cụm từ như “xem xét”, “có thể” một cách chung chung được, mà cần quy định rõ “có” hoặc “không”. Để cuối cùng khi sự cố xảy ra, chỉ các công ty XSKT và người dân phải gánh chịu hậu quả với những tranh chấp pháp lý mà không có... lý của Bộ Tài chính.

 

Theo Ngô Văn Tước

Dân Việt