VCCI công bố 100 doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2020
(Dân trí) - Danh hiệu doanh nghiệp bền vững được đánh giá là "tấm giấy thông hành" để doanh nghiệp tiếp cận những nhà đầu tư lớn, những khách hàng trung thành và những cơ hội kinh doanh mới trong tương lai.
Được VCCI phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Tài nguyên Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức thường niên từ năm 2016 theo sự chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 398/TB-VPCP ngày 15/12/2015, Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (Chương trình CSI) đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ và sức lan tỏa nhất định trong cộng đồng doanh nghiệp (DN) nước nhà.
Bước sang năm thứ 5 triển khai, dù gặp nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19, Chương trình CSI 2020 vẫn ghi nhận số lượng hồ sơ tham gia đông đảo của doanh nghiệp từ các lĩnh vực khác nhau, không phân biệt quy mô và thành phần kinh tế. Từ hơn 500 doanh nghiệp lọt qua vòng sơ khảo, Ban tổ chức (BTC) đã lựa chọn ra 100 DN xuất sắc nhất, đi đầu trong thực hiện phát triển bền vững (PTBV).
Ngày 10/12/2020, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Lễ Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam đã được Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức long trọng tại Hà Nội. Buổi lễ vinh dự đón tiếp lãnh đạo Đảng, Chính phủ, thành viên Ban chỉ đạo Chương trình từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động, cùng các Bộ, ban ngành TW khác và gần 300 đại diện từ các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Năm 2020, Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (Bộ chỉ số CSI) tiếp tục được sử dụng làm thang đánh giá mức độ phát triển bền vững của các DN. Với 127 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững, Chỉ số Quản trị; Chỉ số Môi trường; và Chỉ số Lao động, CSI 2020 đã được nghiên cứu, cập nhật nhiều điểm mới để phù hợp với những yêu cầu từ các Hiệp định thương mại tự do quan trọng (FTA) mà Việt Nam đã ký kết gần đây (như CPTPP - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, EVFTA - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU), cũng như các thay đổi quan trọng trong các chính sách quản lý về lao động và môi trường có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến 17 Mục tiêu PTBV và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV đã được đơn giản hóa và lồng ghép vào Bộ chỉ số CSI 2020.
Thông qua việc cung cấp thông tin theo Bộ Chỉ số CSI, doanh nghiệp có thể hệ thống các thông tin về quản trị doanh nghiệp bao gồm quy trình, cách thức tổ chức quản lý, sản xuất, hiệu quả hoạt động, các quy định và văn bản pháp luật cần tuân thủ, từ đó có thể cải thiện và phát huy chiến lược phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD, thành viên Ban chỉ đạo Chương trình CSI 2020, bên cạnh sự hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp thì Bộ chỉ số CSI và Chương trình cũng nhận được sự ghi nhận to lớn của Chính phủ về tính hiệu quả và tác động tích cực trong việc thúc đẩy phát triển bền vững doanh nghiệp. Cụ thể, trong các chính sách quan trọng của Chính phủ về phát triển bền vững, như Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 20/5/2019, Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 về Phê duyệt Kế hoạch Phát triển bền vững Khu vực doanh nghiệp tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, hay gần đây nhất là Nghị quyết 136/NQ-TTg ngày 25/09/2020, đều được lồng ghép nội dung về tiếp tục thực hiện chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững và nhân rộng áp dụng Bộ chỉ số CSI trong cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Vinh cũng cho biết để CSI có thể thực sự đến gần hơn nữa với cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ hữu hiệu cho doanh nghiệp ở từng quy mô khác nhau, VCCI sẽ sớm nghiên cứu xây dựng thêm các phiên bản điều chỉnh của Bộ chỉ số CSI dành riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và doanh nghiệp lớn.
Năm 2020 không chỉ đánh dấu 05 năm hành trình Chương trình CSI, mà còn ghi dấu mốc son 10 năm hoạt động của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam. Sau một thập kỷ bền bỉ, VBCSD đã góp phần:
Nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy kinh doanh, giúp phần lớn doanh nghiệp Việt từ hiểu mơ hồ đến hiểu đúng và thực hiện phát triển bền vững toàn diện;
Thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững và quản trị doanh nghiệp bền vững thông qua Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam, và Bộ chỉ số CSI. VBCSD không chỉ thúc đẩy áp dụng CSI đối với từng doanh nghiệp mà còn hướng đến các ngành nghề, như xây dựng Bộ chỉ số CSI riêng biệt cho ngành chế biến thủy sản, da giày - túi xách;
Thúc đẩy doanh nghiệp triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn với sự hợp tác của các Hội viên VBCSD, các đối tác trong nước, quốc tế, thông qua các Sáng kiến cụ thể như Không xả thải vào thiên nhiên, Xây dựng Thị trường nguyên vật liệu thứ cấp, các dự án thúc đẩy năng lượng tái tạo, v.v.;
VBCSD cũng là cầu nối giúp Chính phủ hiểu hơn về doanh nghiệp thông qua các hoạt động đối thoại và kiến nghị chính sách về phát triển bền vững, với dấu ấn sắc nét trong chuỗi Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) từ năm 2014, Hội nghị Toàn quốc về Phát triển bền vững (2018, 2019). Nhiều chính sách quan trọng, làm bản lề cho việc triển khai mạnh mẽ hơn các hoạt động phát triển bền vững doanh nghiệp đã được ra đời, như Chỉ thị 13/CT-TTg về Phát triển bền vững, Quyết định 1362/QĐ-TTg về Phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, hay Nghị quyết về Phát triển bền vững là kết quả đầu ra của Hội nghị toàn quốc năm 2019.