1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vay vốn ngân hàng sẽ “thoáng” hơn?

(Dân trí) - Ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động vốn cùng với những chính sách giảm cung tiền đã đẩy các doanh nghiệp vào thế khó khi đi vay. Từ tháng 4 tới, mức trần lãi suất huy động VND được đưa về 11%, liệu có làm hoạt động này đỡ khó hơn?

Đã 5 tháng nay, chuyện giám đốc một công ty chuyên thiết kế, giám sát thi công các công trình giao thông đóng tại Định Công (Hà Nội) tất tả ngược xuôi đi vay 2 tỉ đồng thực hiện dự án tại chi nhánh ngân hàng thân quen nhưng mãi chưa được, đã trở thành ví dụ minh hoạ cho việc khó huy động nguồn vốn tại các ngân hàng.

“Từ tháng 11/2007, chúng tôi đã hoàn thành mọi thủ tục vay vốn nhưng chi nhánh tôi đến vay cứ bắt phải chờ đợi. Hồi trước đi vay chỉ cần một bản dự án “đẹp”, “sạch” là đã có thể “khuân” tiền về, nhưng nay họ lại bảo phải đưa lên tổng duyệt. Tôi làm hồ sơ vay khi lãi suất mới 1,2%, nay đã lên 1,4% và nhân viên ngân hàng còn bảo có thể sẽ tăng thêm” - vị giám đốc này than thở.

Không “tham vọng” vay được nhiều như doanh nghiệp trên, một xí nghiệp gia công cơ khí ở Hà Tây chỉ mong được ngân hàng cho vay khoảng 200 triệu đồng để đi mua ô tô chở hàng nhưng gửi hồ sơ tới khoảng 5 ngân hàng vẫn chưa thể vay được. Nguyên nhân mà các ngân hàng đưa ra là “không cho vay mua ô tô tải” hoặc “đang tạm dừng cho vay”…

Qua khảo sát của Dân trí tại một số ngân hàng như: Agribank, BIDV… nhân viên phòng tín dụng nơi đây cũng có vẻ ít muốn nhắc tới cụm từ “cho vay vốn”.

Ngân hàng Agribank thông báo ngừng cho vay và chưa biết đến khi nào cho vay lại, còn BIDV, ngân hàng từ chối cho vay tiền đi mua ô tô tải, chỉ cho vay mua xe cao cấp xuất xứ từ các nước G7 với giá trị khoảng 1 tỉ đồng hoặc cho doanh nghiệp nhỏ vay ngắn hạn…

Xét trên mặt bằng chung, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần vẫn cho vay nhưng tăng lãi suất lên rất cao, ngắn hạn tới 1,95%/tháng, trung và dài hạn tới 2% - 2,05%/tháng. Theo một chuyên gia tài chính, mức lãi suất cho vay này đang đánh đố doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, bởi hiếm có lĩnh vực sản xuất kinh doanh nào có mức lợi nhuận cao trên 20%/năm để trả lãi ngân hàng.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho hay: Ngân hàng Nhà nước không đưa ra mức trần lãi suất cho vay như lãi suất huy động. Ngân hàng tự thỏa thuận lãi suất cho vay với khách hàng, nhưng ngân hàng đưa lãi suất cho vay cao sẽ không thu hút được khách hàng.

Trên thực tế, với những đòi hỏi trong phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiều đơn vị vẫn phải đến các ngân hàng để vay vốn. Tuy nhiên, do thiếu vốn và cả chính sách giảm cung tiền trong lưu thông của Ngân hàng Nhà nước, đã 3 - 4 tháng nay, nhiều ngân hàng dùng dằng kéo dài thời gian cho vay khiến các doanh nghiệp khốn khổ trong huy động nguồn vốn.

“Nhiều dự án trong ngành xây dựng đã bị lỗ do thiếu vốn thực hiện. Trong khi chờ đợi vốn vay của ngân hàng, nhân viên trong ngân hàng (một vài bộ phận liên kết với nhau) đã cho khách hàng vay ngoài với lãi suất cắt cổ là 3%. Bí vốn quá, chúng tôi đã có lúc phải vay nóng đấy” - một doanh nghiệp cho biết.

Trong lúc doanh nghiệp lao đao vì thiếu vốn, vì bị hạn chế cho vay, thì việc các ngân hàng thành viên trong Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) ở Hà Nội đồng thuận hạ mức lãi suất huy động VND từ 12%/năm về 11%/năm kể từ tháng 4 tới đang là một “tín hiệu vui”.

Mặt bằng lãi suất huy động sắp tới không chỉ khắc phục tình trạng chạy đua tăng lãi suất trong tháng 2 vừa qua, mà còn làm hạn chế tình trạng mất cân đối vốn khả dụng của một số tổ chức tín dụng. “Nhiều khả năng vay vốn tại các ngân hàng sẽ dễ thở hơn” - một chuyên gia nhận xét.

An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm